Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế lớn của cả nước; phạm vi, khối lượng công việc rộng, nhiều vấn đề có tính chất phức tạp, nhạy cảm phát sinh. Trong đó, có những việc được cử tri cả nước quan tâm, đặt ra nhiệm vụ cho HĐND thành phố phải không ngừng nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động, đặc biệt là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tạo dấu ấn và nhân lên niềm tin của cử tri với cơ quan dân cử.
Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND thành phố Hà Nội đã thực hiện 4 phiên chất vấn, tái chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố, các thành viên UBND thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan đối với 8 nhóm vấn đề, lĩnh vực: Công tác phòng, chống dịch; việc triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố; việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố; thúc đẩy việc thực hiện một số dự án đầu tư trên địa bàn; công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố; kết quả thực hiện các kết luận chất vấn, các cam kết, lời hứa của UBND thành phố và các cơ quan tại kỳ họp thứ ba, kỳ họp thứ bảy HĐND thành phố liên quan đến một số dự án đầu tư; công tác bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải; công tác thoát nước trên địa bàn thành phố.
Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp nhân dân, cử tri theo dõi, đồng thời nâng cao trách nhiệm của người trả lời chất vấn cũng như đại biểu HĐND thành phố.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, Hà Nội có nhiều vấn đề phức tạp, những nổi cộm mà cử tri, người dân quan tâm, gần đây chính là công tác bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và thoát nước trên địa bàn thành phố. Đây là những nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô trước mắt và dài lâu; được phản ánh qua các ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua giám sát và đề xuất của các Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND thành phố. Vì thế, nội dung này không chỉ được chọn chất vấn, mà được HĐND thành phố tái chất vấn.
Về thực trạng lĩnh vực này, đại biểu Trịnh Xuân Quang (Tổ đại biểu quận Thanh Xuân) cho biết, thành phố có 10 khu đô thị có trạm xử lý nước thải nhưng chưa hoạt động; 8 dự án xử lý nước thải chưa triển khai thực hiện. Đáng lưu ý, thành phố bố trí đầu tư kế hoạch trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 cho 39 dự án xây dựng trạm xử lý nước thải, các công trình thoát nước, thủy lợi tiêu úng là hơn 13.500 tỷ đồng (bằng 6,2% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn cấp thành phố), nhưng rất nhiều dự án triển khai chậm.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (Tổ đại biểu Quốc Oai) cho rằng, thành phố có 5 cụm công nghiệp đã được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tuy nhiên không hoạt động, xuống cấp hoặc chưa được đầu tư đồng bộ. Hiện có nhiều tuyến kênh mương trước đây chỉ phục vụ cho nông nghiệp, nhưng quá trình đô thị hóa, nhiều cụm công nghiệp, làng nghề, khu đô thị đã “biến” kênh mương làm nơi thoát nước.
“Đây chính là những vấn đề cử tri kiến nghị, phản ánh nhiều lần tại các kỳ tiếp xúc cử tri, làm cơ sở để đại biểu chọn nội dung chất vấn và sau chất vấn cũng đã có chuyển biến đáng kể” - đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh.
Sôi nổi hơn phải kể đến phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10 (HĐND khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026). Ở phiên này, HĐND thành phố dành nhiều thời gian cho việc tái chất vấn về kết quả thực hiện các kết luận chất vấn, những cam kết, lời hứa của UBND thành phố và các cơ quan tại kỳ họp thứ ba, kỳ họp thứ bảy của HĐND thành phố liên quan đến các dự án đầu tư.
“Lý do đại biểu chọn tái chất vấn, bởi qua giám sát, khảo sát, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn đối với những dự án chậm triển khai, nhiều dự án trọng điểm của thành phố” - đại biểu Đàm Văn Huân, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố cho biết.
Theo đại biểu Trần Khánh Hưng (Tổ đại biểu huyện Ba Vì), Dự án Tiếp nước, cải tạo khu vực sông Tích (huyện Ba Vì) là dự án trọng điểm của thành phố, có quyết định đầu tư và khởi công từ năm 2011 nhưng rất chậm tiến độ, mới giải ngân chưa được 1% vốn kế hoạch năm 2022. Hay việc hoàn thành thu hồi khu đất số 6 phố Đào Duy Anh để tập trung đầu tư xây dựng dự án trường mầm non và trường Tiểu học Phương Liên đã hứa nhưng chưa thực hiện; Dự án trụ sở văn phòng tại số 31, 33 và 35 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm là khu “đất vàng” của thành phố, đã cam kết rà soát điều chỉnh thiết kế đô thị, không gian khu vực này và hoàn thành năm 2022 để triển khai xây dựng quý I-2023, nhưng chậm… khiến cử tri, nhân dân bức xúc, đại biểu quan tâm.
Tiên phong trong việc cụ thể hóa Nghị quyết Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12-9-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngay sau phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10 (tháng 12-2022), Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp. Điều này khẳng định, không chỉ giám sát trực tiếp tại kỳ họp, “truy vấn” các vấn đề nhân dân bức xúc, HĐND thành phố còn thúc đẩy việc giám sát kết quả sau chất vấn.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànộimới tại thời điểm đầu tháng 3-2023, Dự án Tiếp nước, cải tạo khu vực sông Tích đã hoàn thành được trên 92% gói thầu cụm công trình đầu mối, trên 90% gói thầu xây dựng lòng dẫn sông Tích và trên 75% gói thầu xây dựng các công trình trên sông.
Ông Đinh Công Sơn, Giám đốc Ban Quản lý và Duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn (đơn vị được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội giao làm đại diện chủ đầu tư dự án) cho biết: Trước phiên chất vấn của HĐND thành phố, dự án vướng mắc chậm tiến độ so với phê duyệt 2 năm, chủ yếu về giải phóng mặt bằng. Ngay sau khi HĐND thành phố chất vấn tại kỳ họp, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND huyện Ba Vì tập trung tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của dự án, đồng thuận, ủng hộ chủ trương trong giải phóng mặt bằng để triển khai thi công. Việc giám sát, chất vấn của HĐND thành phố là rất thiết thực để các cấp, các ngành nêu cao trách nhiệm, nhờ đó tiến độ dự án được đẩy nhanh và kết quả đạt được đã minh chứng cho thấy hoạt động giám sát của HĐND thành phố thực sự quan trọng.
Cùng với Dự án sông Tích, liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trong xử lý nước thải và thoát nước mà HĐND thành phố chất vấn tại kỳ họp thứ 10 HĐND thành phố khóa XVI (diễn ra ngày 9-12-2022), trong đó có nội dung cam kết của Chủ tịch UBND huyện Mê Linh trong quý I-2023 Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT GARMENT thực hiện đấu nối hệ thống xử lý nước thải vào hệ thống xử lý chung của Khu công nghiệp Quang Minh.
Phó phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện Mê Linh Phạm Thị Bích Liên cho biết, sau phiên chất vấn này, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh đã chỉ đạo ngành tài nguyên và môi trường huyện làm việc ngay với Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT GARMENT, đến ngày 3-1-2023 Công ty đã thực hiện đấu nối hệ thống thoát nước thải vào xử lý trong hạ tầng chung của Khu công nghiệp Quang Minh.
Ông Phan Văn Tại, cán bộ phụ trách môi trường Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT GARMENT cho biết, ngay sau phiên chất vấn của HĐND thành phố và làm việc với lãnh đạo UBND huyện Mê Linh, Ban Giám đốc Công ty đã hiểu rõ trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường. Do đó, đến ngày 03-01-2023 Công ty đã ký hợp đồng dịch vụ xử lý nước thải với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Nam Đức, chính thức đấu nối hệ thống xử lý nước thải vào xử lý tập trung, đảm bảo lượng nước thải sau khi được xử lý đạt tiêu chuẩn theo quy định pháp luật để xả thải vào nguồn nước tiếp nhận.
Cũng tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố Hà Nội khoá XVI, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định đã cam kết về tiến độ thu hồi đất tại khu đất số 6 Đào Duy Anh để đầu tư các dự án mở rộng xây dựng trường học mầm non, Trường Tiểu học Phương Liên. Đến nay, khu đất này đã được thu hồi từ Công ty Việt Anh, hiện UBND quận đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận tiến hành các thủ tục để khởi công dự án trong thời gian sớm nhất.
Trên đây chỉ là một số những dự án, vấn đề trong số rất nhiều dự án, công trình, vấn đề được HĐND thành phố chất vấn trong thời gian qua. Những chuyển biến tích cực, kết quả cụ thể đã minh chứng cho hoạt động chất vấn thực sự hiệu lực, hiệu quả của HĐND thành phố Hà Nội. “Đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12-9-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau chất vấn, nhiều vấn đề được giải quyết xong, hoặc giải quyết bước đầu cho thấy bộ máy chính quyền thành phố vào cuộc trách nhiệm. Mong rằng hoạt động chất vấn, theo dõi, đôn đốc kết quả sau chất vấn như ở HĐND thành phố Hà Nội sẽ được lan tỏa” - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết.