Hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND là một chế định mới, là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần nâng cao vai trò, vị trí, hiệu lực của HĐND các cấp. Nhận định rõ tầm quan trọng này, thời gian qua, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã chú trọng tổ chức hoạt động phiên giải trình, qua đó ngày càng được khẳng định về tính hiệu lực, hiệu quả của một trong những hoạt động giám sát giữa hai kỳ họp HĐND.
Dấu ấn nửa đầu nhiệm kỳ 2021-2026 được cử tri ghi nhận, đó là Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức 2 phiên giải trình với các nhóm vấn đề: Các thiết chế văn hóa là dự án có vướng mắc, chậm triển khai; hệ thống thiết chế văn hóa còn thiếu, chưa đồng bộ; các khu vui chơi, giải trí, công viên vườn hoa, sân chơi...; các thiết chế văn hóa sử dụng chưa hiệu quả, sai mục đích; các cơ chế chính sách về công tác quản lý, khai thác và sử dụng thiết chế văn hóa; công tác quản lý đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô từ 2ha trở lên.
Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga cho biết, nhìn chung, nội dung các phiên giải trình đều bảo đảm là những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, một số nội dung giải quyết kéo dài nhưng chưa dứt điểm gây bức xúc.
Mục tiêu của thành phố đến năm 2020, bảo đảm 100% thôn, làng có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng; cơ bản có điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng hoặc nhà văn hóa ở các tổ dân phố.
Nhưng, đến thời điểm giải trình, toàn thành phố mới có 136/579 xã, phường, thị trấn có công trình trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, đạt tỷ lệ 24%. Trong đó, có 2.283 nhà văn hóa thôn, đạt 97%; 1.993 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt tổ dân phố (mới đạt tỷ lệ 65,5%). Đáng lưu ý, 5/18 huyện, thị xã và 4/12 quận chưa có một trung tâm văn hóa xã, phường nào.
Bên cạnh đó, trong tổng số hơn 4.200 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng thôn, tổ dân phố, thì có hơn 2.100 nhà văn hóa chưa đáp ứng các tiêu chí cơ bản; 18 nhà văn hóa nằm trong khuôn viên di tích; 187 nhà văn hóa xuống cấp không bảo đảm điều kiện sinh hoạt…
Hay như phiên họp giải trình về việc quản lý, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thành phố diễn ra vào tháng 10-2022. Trên địa bàn thành phố có khoảng 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô diện tích từ 2ha trở lên. Tuy nhiên, một số khu đô thị, khu nhà ở sau khi đưa vào khai thác, sử dụng vẫn chưa đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định; chưa khớp nối đồng bộ với hạ tầng khu vực; một số dự án công trình hạ tầng xã hội thiết yếu như: Trường học, vườn hoa, cây xanh, hồ nước, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí... chậm triển khai, chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch theo dự án được phê duyệt, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Tại các phiên giải trình, Thường trực HĐND thành phố đã yêu cầu làm rõ nguyên nhân chậm giải quyết; “truy” đến cùng trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, từ đó yêu cầu cơ quan, đơn vị, cá nhân giải quyết dứt điểm trong thời gian nhất định.
Sau phiên giải trình, việc giám sát kết quả thực hiện có ý nghĩa rất quan trọng. Hiện Ban Văn hóa - Xã hội cũng đang giám sát chặt chẽ việc thực hiện kết luận của phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức ngày 25-4-2022. Bước đầu cho thấy, các cấp, các ngành đang tích cực rà soát các thiết chế văn hóa, các dự án lĩnh vực này để bố trí nguồn vốn đầu tư.
Ngay sau phiên giải trình, cùng với chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, UBND thành phố còn chỉ đạo Sở Văn hoá và Thể thao tham mưu xây dựng dự thảo Quy chế (mẫu) “Về quản lý, sử dụng thiết chế trung tâm văn hóa - thể thao xã, phường thị trấn; nhà văn hóa - khu thể thao thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội” trên cơ sở bám sát hướng dẫn, quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đến nay Sở đang lấy ý kiến của nhân dân để báo cáo UBND thành phố…
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànộimới, đối với các kiến nghị về dự án do UBND cấp quận, huyện, thị xã quản lý, sử dụng, đến nay đã có nhiều chuyển biến.
Về Dự án cải tạo sửa chữa nhà sinh hoạt cộng đồng tại phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến khẳng định, đến nay quận đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư như: Phê duyệt dự toán, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chỉ định đơn vị quản lý dự án, chỉ định đơn vị thẩm tra báo cáo kinh tế kỹ thuật... Hay như việc cam kết của quận Ba Đình về hoàn thành cải tạo sửa chữa nhà sinh hoạt cộng đồng số 64 Yên Phụ, vào tháng 6-2022 việc này đã trở thành hiện thực.
Về tiến độ đầu tư xây dựng các nhà văn hóa tại các thôn: My Thượng (xã Thanh Mai), Thôn Bãi 2 (xã Cao Viên) huyện Thanh Oai, đến nay Nhà văn hóa thôn My Thượng và Thượng Thanh 2 đã được bố trí vốn, đã khởi công xây dựng nhà văn hóa thôn My Thượng.
Phó Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Quang Thắng cho biết, qua khảo sát, một số kiến nghị của đại biểu HĐND thành phố tại phiên giải trình đã được các huyện thúc đẩy triển khai. Đơn cử như huyện Mê Linh xây dựng 12 trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã (năm 2023-2024), huyện đã hoàn thành rà soát, bố trí quỹ đất cho 6 xã và thỏa thuận vốn hỗ trợ; xây dựng mới 8 nhà văn hóa thôn (năm 2023-2024), huyện đang triển khai, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2023; xây dựng 6 trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã (năm 2025), huyện đang tiến hành rà soát quỹ đất để bố trí đầu tư xây dựng.
Đối với quận Long Biên về các nội dung liên quan đến vườn hoa Ngọc Lâm, tháng 7-2022, quận đã phê duyệt chủ trương đầu tư vườn hoa Ngọc Lâm.
Về Dự án Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Nam Từ Liêm tại ô đất 2,61ha khu chức năng đô thị tại phường Xuân Phương chưa được triển khai thực hiện do những vi phạm đất đai trên khu đất nông nghiệp quy hoạch dự án; UBND thành phố đã chỉ đạo UBND quận Nam Từ Liêm kiểm tra, lập hồ sơ xử lý các trường hợp vi phạm luật đất đai tại khu đất nông nghiệp nêu trên. Hiện nay, đã lập hồ sơ để xử lý dứt điểm vi phạm theo quy định.
Việc quản lý Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Bắc Từ Liêm, giáp mặt đường có một quán cà phê dưới tên gọi “Điểm hẹn văn hóa”, căn cứ quy định của pháp luật và thẩm quyền, UBND quận Bắc Từ Liêm đã chỉ đạo dừng mọi hoạt động.
Đại biểu Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố khẳng định, đến nay các nội dung giải trình đã và đang được giải quyết; nhiều nội dung đã giải quyết dứt điểm; một số vấn đề khó khăn do khách quan thiếu quỹ đất, chưa thể giải quyết được ngay cũng được các địa phương có giải pháp tạm thời.
Việc phản ánh nhiều địa bàn “trắng" nhà văn hóa tại các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Xuân… do thiếu quỹ đất, nên đã có giải pháp 2 tổ dân phố sử dụng chung một nhà văn hóa. Bởi hiện tại, để "phủ sóng" nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng tại các quận nội thành như Ba Đình, Hoàn Kiếm… là hết sức khó khăn. Vì thế, một số quận đã có giải pháp khắc phục trụ sở sinh hoạt văn hóa cộng đồng bằng cách phối hợp với các cơ quan trung ương, thành phố đứng chân trên địa bàn. Vì các thiết chế văn hóa của cơ quan trung ương, thành phố hay cấp quận không phải lúc nào cũng sử dụng hết công suất.
Ông Phạm Trường Sơn (phường Quán Thánh, quận Ba Đình) cho rằng, cũng do thiếu nhà văn hóa, nên các hoạt động cộng đồng, diễn ra đông người đều được Ban Mặt trận, Tổ dân phố liên hệ, nhờ địa điểm của một số cơ quan trung ương trên địa bàn phường. Đặc biệt là ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại phường Quán Thánh, hội tụ đông dân, khách mời, nên việc nhờ địa điểm là cần thiết, khắc phục trước mắt việc thiếu nhà văn hóa.
Cũng không phải vấn đề nào cũng được giải quyết ngay, vì còn liên quan đến các quy trình thủ tục, trách nhiệm vào cuộc của cơ quan chức năng. Vì thế, sau giải trình về công tác quản lý đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô từ 2ha trở lên, một số khu đô thị vẫn chưa thể bố trí ngay hạ tầng xã hội đồng bộ. Tiêu biểu như ở các quận: Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông…
Bà Hoàng Mai Nga (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) cho rằng, dự án Khu đô thị sinh thái Xuân Phương chậm, nên trường học, vườn hoa, cây xanh, khu vui chơi giải trí... cũng chưa được triển khai, người dân mong ngóng. Rất mong chính quyền chỉ đạo thúc đẩy nhanh dự án hoàn thành, để người dân sớm hưởng lợi từ những hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ như quy hoạch.
Ông Nguyễn Hữu Dàng (phường Phú La, quận Hà Đông) thường xuyên theo dõi các phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố nhận xét, vấn đề chọn rất trúng, sát cơ sở, người dân quan tâm. Bởi thực tế hạ tầng cơ sở một số khu đô thị còn thiếu, các thiết chế văn hóa chưa đồng bộ. Mong rằng vấn đề này tiếp tục được đại biểu HĐND thành phố đưa vào các phiên chất vấn, giải trình để cử tri được theo dõi, cùng giám sát.