Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Mẫu số chung'' bền vững

Hoàng Hà| 26/11/2020 06:01

(HNM) - Thành phố Hà Nội hiện có 455 chợ đang hoạt động, trong đó có 92 chợ kiên cố, 247 chợ bán kiên cố, 116 chợ tạm. Dù giai đoạn 2016-2020, thành phố đã đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa 82 chợ, nhưng hiện vẫn còn nhiều chợ xuống cấp, mất vệ sinh môi trường, không bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.

Nguyên nhân là do nhiều chợ dân sinh được xây dựng đã lâu, trong khi đó, yêu cầu về văn minh thương mại, vệ sinh, an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn...

Để chợ dân sinh đáp ứng được yêu cầu đang đặt ra, phù hợp với xu thế phát triển và mong muốn của người tiêu dùng, các cấp chính quyền, các doanh nghiệp cũng đã cố gắng trong huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo chợ truyền thống... Song trên thực tế, nhiều mô hình xây mới và cải tạo không thành công, dẫn đến sự lãng phí cho xã hội. Minh chứng cho bất cập này phải kể đến những khu đất "vàng" của chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam... khi khách đến thưa thớt mỗi ngày.

Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp để chợ dân sinh đáp ứng nhu cầu của xã hội văn minh luôn là vấn đề cấp thiết đặt ra. Nhưng, do nhiều khó khăn, nhất là về vốn, doanh nghiệp không mặn mà đầu tư, tiểu thương không chấp nhận giá thuê mặt bằng cao... là lý do khiến chợ dân sinh vẫn chưa được “lột xác”. Để rồi, tại rất nhiều chợ vẫn còn đó những mối lo về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy...

Rõ ràng, với sự phát triển của xã hội hiện đại, việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ dân sinh theo hướng văn minh, tiện lợi cho người tiêu dùng sẽ là hướng đi tất yếu. Để làm được việc này, trước mắt, cơ quan chức năng cần phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá lại hiện trạng toàn bộ hệ thống chợ dân sinh đang hoạt động trên địa bàn. Bởi thực tế cho thấy, không phải chợ nào xuống cấp cũng phải xây mới mà cần căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của người dân trong khu vực để cải tạo cho phù hợp. Việc xây dựng chợ cần tính đến hiệu quả sử dụng, yếu tố thuận lợi và an toàn cho người dân khi vào chợ mua sắm. Đó là cơ sở để đề xuất phương án cải tạo, nâng cấp hay xây dựng chợ mới. 

Đồng thời, các sở, ngành liên quan nên đánh giá thực trạng những chợ đã được xây mới, nâng cấp, cải tạo để rút kinh nghiệm những mô hình thất bại và nhân lên những bài học hay từ mô hình thành công. Ngoài ra, cần đối chiếu với quy hoạch chợ đã được phê duyệt để điều chỉnh quy hoạch nếu cần thiết, gắn với quy hoạch sử dụng đất, cho sát thực tiễn phát triển của từng vùng, từng địa phương...

Những khó khăn về nguồn vốn đầu tư, tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp, cơ chế hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước... hiện đã được các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cách thức xử lý. Tuy nhiên, trong khi chờ cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tối ưu thì chính quyền cấp huyện, xã cũng phải chủ động trong việc duy trì chợ dân sinh hiện có một cách hiệu quả, bằng cách quyết liệt dẹp bỏ các chợ "cóc", chợ tạm tự phát, khắc phục những bất cập về vệ sinh môi trường, an toàn phòng cháy; đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp những hạng mục quá xuống cấp... Các tiểu thương cũng cần quan tâm ủng hộ những chủ trương đúng đắn trong cải tạo, xây dựng chợ để tạo môi trường kinh doanh văn minh, hiệu quả.

Trong rất nhiều các loại hình thương mại, chợ dân sinh mang giá trị riêng, nhưng chắc chắn phải tuân thủ các yếu tố văn minh thương mại, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đây sẽ là “mẫu số chung” để chợ dân sinh phát triển bền vững trong xã hội hiện đại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Mẫu số chung'' bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.