(HNM) - Đề xuất, kiến nghị tại cuộc làm việc cuối tuần qua với Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, lãnh đạo hai huyện Đông Anh và Hoài Đức đã nêu 69 vấn đề còn khó khăn, vướng mắc. Với tinh thần đổi mới, thực chất, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo ban hành kết luận giao nhiệm vụ cho các sở, ngành giải quyết từng nội dung cụ thể.
Đây là cơ sở có ý nghĩa quan trọng để giúp các huyện khắc phục những vấn đề còn tồn đọng, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy dự án, công trình, sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng thành quận. Tuy nhiên, để làm được, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ngành và các địa phương; trong đó, yếu tố trách nhiệm giữ vai trò quyết định.
Thực tế, mỗi vấn đề mà các huyện nêu lại có khó khăn, vướng mắc khác nhau, nhưng điểm chung là đều có thể giải quyết được hoặc có hướng giải quyết nếu các bên liên quan vào cuộc với trách nhiệm cao. Ngay cả những vấn đề đã tồn tại dai dẳng như việc thanh toán khối lượng dịch vụ vệ sinh môi trường, nhất là vệ sinh ngõ xóm giai đoạn 2017-2020 tại huyện Đông Anh đã thực hiện và được nghiệm thu từ tháng 8-2020; sau cuộc làm việc cũng đã có hướng giải quyết. Hay một số dự án tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, mà theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, là có kinh phí nhưng không triển khai được do vướng quy hoạch. Nội dung quy hoạch vướng mắc ở đây có thể thực hiện bàn giao trong một tuần, nhưng thực tế vẫn rất chậm...
Có thể nói, yếu tố trách nhiệm luôn là động lực hàng đầu thúc đẩy mọi công việc và ngược lại. Tinh thần trách nhiệm càng có ý nghĩa quan trọng trước những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. Cán bộ vào cuộc với trách nhiệm cao là phải trăn trở trước những vấn đề đang đặt ra, tự giác hành động, không chờ phải đôn đốc mới làm. Cán bộ vào cuộc trách nhiệm là phải lấy hiệu quả tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho cơ sở làm niềm vui, làm “thước đo” thành công trong công việc, sự nghiệp.
Đối với những kiến nghị, đề xuất của hai huyện Đông Anh, Hoài Đức, sự vào cuộc trách nhiệm là cần tổ chức ngay các cuộc làm việc trực tiếp, cụ thể và chuyên sâu giữa các sở, ngành (nhiều ý kiến lưu ý nhất là các sở: Quy hoạch và Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư) với từng địa phương để bóc tách những khó khăn, vướng mắc và giải quyết; phải giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tập thể, cá nhân; có cam kết về thời hạn thực hiện xong.
Vấn đề quan trọng không kém đó là trách nhiệm chủ động “đeo bám” của lãnh đạo các huyện đối với các sở, ngành về những vấn đề của địa phương mình. Các sở, ngành phải quán xuyến chung cả 30 quận, huyện, thị xã; với mỗi địa phương có hàng chục vấn đề đặt ra, tính chung cả thành phố là hàng trăm vấn đề phải giải quyết, nên rất khó có sự tập trung, ưu tiên. Do đó, sự chủ động “đeo bám” của các địa phương đối với các sở, ngành để đề nghị làm việc, đôn đốc, trao đổi, duy trì sự liên thông, liên tục trong quá trình giải quyết là không thể thiếu.
Vừa qua, Thành ủy Hà Nội đã tiếp tục đổi mới công tác đánh giá cán bộ, nhất là trách nhiệm người đứng đầu gắn với kết quả công việc cụ thể. Những tồn đọng, sự chậm trễ, thiếu trách nhiệm đều sẽ được phản ánh vào thang điểm hằng tháng, hằng năm. Do đó, tinh thần trách nhiệm chính là mấu chốt để khơi thông mọi khó khăn, vướng mắc và tự giác vào cuộc với trách nhiệm cao không chỉ là nghĩa vụ vì dân, vì nước, mà còn vì chính uy tín, danh dự của người cán bộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.