Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Mắt xích“ quan trọng

Lam Giang| 07/01/2023 06:49

(HNM) - Theo Bộ Công Thương, năm 2022, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra 72.641 vụ việc liên quan tới hàng giả, hàng nhái…; phát hiện, xử lý hơn 43.900 vụ vi phạm. Thực tế, dù các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc, song vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… vẫn diễn biến phức tạp.

Một trong những nguyên nhân là khoảng 80% người tiêu dùng biết sản phẩm là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm sở hữu trí tuệ… nhưng vẫn mua vì ham rẻ.

Bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng chưa phân biệt được hàng thật, hàng giả nên dễ dàng bị các đối tượng trục lợi. Thực tế này đã vô tình tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân thu lợi bất chính, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền liên quan.

Tệ nạn hàng giả, hàng nhái… vì thế tiếp tục hoành hành và việc chống hàng giả, hàng nhái của lực lượng chức năng rất khó đạt được kết quả như mong muốn. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính và đặc biệt là người tiêu dùng bị ảnh hưởng, thiệt hại trực tiếp.

Để ngăn chặn vấn nạn hàng giả, hàng nhái, làm lành mạnh thị trường hàng hóa, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các tổ chức, doanh nghiệp, người tiêu dùng chính là “mắt xích” rất quan trọng. Người mua hàng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình, trang bị kiến thức để có kỹ năng, kinh nghiệm nhận diện hàng giả, hàng nhái.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần từ bỏ thói quen sử dụng hàng nhái, hàng giả; chủ động từ chối, không mua hàng giả, hàng nhái chính là cách loại bỏ hàng giả, hàng nhái hiệu quả nhất. Khi mua hàng, người tiêu dùng cần kiểm tra rõ xuất xứ, thông tin hàng hóa và mua hàng tại các địa chỉ uy tín, các sàn thương mại điện tử, các website đã được Bộ Công Thương cấp phép.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Mắt xích“ quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.