Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mất cân bằng giới tính khi sinh: Khó giải quyết tận gốc

Thu Trang| 27/09/2014 08:02

(HNM) - Sáng nay 27-9, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức lễ mít tinh, diễu hành


Hàng triệu nam giới có nguy cơ ế vợ

MCBGTKS tại Việt Nam tuy diễn ra muộn hơn các nước Châu Á nhưng tốc độ gia tăng nhanh chóng. Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu - Chất lượng dân số (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Phạm Năng An dẫn chứng, nếu như hơn 10 năm trước, tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) chỉ tăng 1 điểm phần trăm trong 10 năm thì hiện nay, mỗi năm đã tăng đến 1 điểm phần trăm. Cụ thể, giai đoạn năm 1979 là 105 bé trai/100 bé gái, đến năm 1999 tăng lên 107 bé trai/100 bé gái. Bắt đầu từ giai đoạn 2007 đã là 111,6 bé trai/100 bé gái; năm 2008 là 112,1 bé trai/100 bé gái. Đến năm 2013, tỷ số GTKS là 113,8 bé trai/100 bé gái. Còn 6 tháng đầu năm 2014, tỷ số này đã nhích lên hơn 114 bé trai/100 bé gái, vượt qua chỉ tiêu đề ra vào năm 2015 là khống chế tỷ số MCBGTKS dưới 112 bé trai/100 bé gái.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng gia tăng. Ảnh: Hoa Quỳnh



Số tỉnh, thành phố có tỷ số MCBGTKS cao (vượt quá tỷ số 106 bé trai/100 bé gái) cũng ngày càng gia tăng. Nếu năm 1999 chỉ có 28 tỉnh, thành phố thì năm 2013 là 35 tỉnh và hiện nay đã có 40 tỉnh, thành phố rơi vào tình trạng MCBGTKS. Một số tỉnh có tỷ số GTKS đặc biệt cao như: Hưng Yên (130,7 bé trai/100 bé gái), Hải Dương (120,2 bé trai/100 bé gái), Bắc Ninh (119,4 bé trai/100 bé gái)… Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khi trực tiếp "thị sát" một số xã ở Đồng bằng sông Hồng thấy lo lắng, bởi có xã tỷ số MCBGTKS lên đến gần 150 bé trai/100 bé gái. "MCBGTKS ngày càng lộ rõ. Trong tương lai không xa, thanh niên Việt Nam sẽ không lấy được vợ do tình trạng "thừa nam, thiếu nữ". Hậu quả này chúng ta sẽ giải quyết như thế nào (?). Các làng, xã sẽ thiếu phụ nữ, cô dâu và còn rất nhiều điều bất lợi khác... Việt Nam chưa phải nước giàu như Hàn Quốc để "nhập khẩu cô dâu" - Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến bày tỏ quan ngại.

Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, mấy thập kỷ trước, tỷ lệ nữ giới luôn chiếm từ khoảng 53-52%, nam giới 47-48% và được duy trì khá ổn định. Nhưng trong 14 năm qua, tỷ lệ GTKS đã tăng dần nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời. Dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với viễn cảnh dư thừa từ 2,3 triệu đến 4,3 triệu nam giới, tác động tới cấu trúc dân số Việt Nam dễ gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Sẽ là tai họa nếu không giải quyết kịp thời

Theo ông Arthur Erken - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, hiện khu vực Châu Á đang thiếu hụt 117 triệu trẻ em gái, đây chính là hậu quả của tình trạng phân biệt giới. Đáng báo động là thực trạng này về lâu dài sẽ rất nghiêm trọng. Cụ thể, việc thiếu phụ nữ làm gia tăng nạn buôn bán phụ nữ, gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình… Vấn đề này nếu không giải quyết kịp thời sẽ là tai họa cho mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, những giải pháp để ghìm tốc độ gia tăng MCBGTKS ở nước ta hiện nay chưa hiệu quả. Trong khi tư tưởng "trọng nam khinh nữ" vẫn ăn sâu vào tiềm thức của người dân ở cả nông thôn lẫn thành thị, ở cả người giàu và người nghèo, ở cả người có học vấn cao thì các biện pháp can thiệp như: Nghiêm cấm siêu âm xác định giới tính thai nhi, tránh lạm dụng kỹ thuật sinh sản mới… lại không thể kiểm soát được. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Văn Tân cho rằng, mặc dù có quy định cấm siêu âm xác định giới tính thai nhi nhưng số người biết trước giới tính con mình trước khi sinh chiếm trên 81%. Mặc dù việc siêu âm xác định giới tính thai nhi phổ biến nhưng do lực lượng thanh tra chuyên ngành mỏng, kinh nghiệm không nhiều nên việc phát hiện, xử phạt các cơ sở vi phạm chưa hiệu quả. Đến nay, lực lượng thanh tra mới phát hiện được 4 trường hợp ở Hưng Yên và Kiên Giang.

Theo ông Arthur Erken, hiện nay ở Việt Nam dịch vụ khám tiền sinh sản ngày càng phát triển, siêu âm xác định giới tính, nạo phá thai bị lạm dụng. Các cơ sở này bất chấp luật pháp sẵn sàng giúp khách hàng lựa chọn GTKS, còn việc giám sát phòng khám tư nhân, cơ sở siêu âm lại chưa sát sao. Tuy nhiên, điều cốt lõi của vấn đề lại nằm ở tư tưởng "trọng nam khinh nữ" ăn sâu vào tiềm thức của người Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng. "Không chỉ giải quyết hiện tượng mà cần giải quyết gốc rễ vấn đề, đó là tăng cường giáo dục giới tính trong trường học, xóa bỏ bất bình đẳng giới, tạo cho phụ nữ quyền bình đẳng; tạo việc làm cho phụ nữ, giúp họ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội…", ông Arthur Erken đưa ra giải pháp.

Học vấn càng cao càng "khát" con trai

Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, vấn đề MCBGTKS của Việt Nam có nhiều đặc điểm khác so với các nước trong khu vực Châu Á như: Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc. Nếu như tại nước ta, MCBGTKS xảy ra ngay từ lần sinh đầu tiên thì với các nước, MCBGTKS xảy ra ở lần sinh thứ hai, thứ ba. Mặt khác, ở các nước MCBGTKS chỉ xảy ra ở nhóm phụ nữ có trình độ thấp, kinh tế khó khăn, vùng nông thôn. Còn ở Việt Nam, tình trạng này xảy ra ở khắp các vùng miền, từ thành thị đến nông thôn, từ người giàu đến người nghèo. Thậm chí, những người có trình độ, học vấn cao lại "khát" con trai hơn cả. Điều này cho thấy, tâm lý "trọng nam khinh nữ" đã ngấm sâu trong tư tưởng, suy nghĩ của người dân, cho dù trình độ nhận thức của họ có cao đến đâu.


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mất cân bằng giới tính khi sinh: Khó giải quyết tận gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.