Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Mất bò" vẫn chưa lo... "làm chuồng"!

Đan Nhiễm| 10/04/2015 06:12

(HNM) - Tính đến ngày 10-4, vụ việc mất nguồn phóng xạ tại Nhà máy Thép Pomina (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn chưa có hồi kết, các cơ quan chức năng vẫn ráo riết tìm kiếm… Tuy nhiên, phía sau những nỗ lực này là không ít câu hỏi, ví như: Nguồn phóng xạ công nghiệp này được phát hiện bị mất từ cuối năm 2014, nhưng tại sao đến cuối tháng 3-2015 mới được công khai.



Trong khi đó, nguồn phóng xạ ở Nhà máy Thép Pomina là loại Co-60 có chứa tia gamma và "để yên thì không sao, nhưng nếu như người dân không biết tháo ra thì hết sức nguy hiểm" theo như lời Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Vương Hữu Tấn.

Điều cần lưu ý là với vụ việc ở Bà Rịa - Vũng Tàu thì đây đã là lần thứ sáu trong vòng 13 năm qua nước ta để xảy ra tình trạng mất nguồn phóng xạ tại các cơ sở kinh tế. Qua rất nhiều sự cố như vậy, câu hỏi được đặt ra là: Các cơ quan quản lý, doanh nghiệp sử dụng nguồn phóng xạ và cộng đồng đã có những động thái gì để ngăn ngừa sự việc tương tự có thể xảy ra?

Được biết hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân - Bộ Khoa học và Công nghệ - KHCN) mới chỉ thống kê được số lượng nguồn phóng xạ của các đơn vị cũng như đặc tính của từng thiết bị, còn việc kiểm soát thì vẫn do… đơn vị sở hữu thiết bị tự đảm trách. Việc kiểm tra tình trạng của các thiết bị được phân cấp cho Sở KHCN địa phương và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân. Tuy nhiên, theo các cơ quan có trách nhiệm thì: Do thiếu nhân lực nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn, nhất là với các nguồn phóng xạ di động. Đặc biệt trong thời gian qua, việc thẩm định cấp phép chưa có sự tham gia của các cơ quan quản lý chuyên ngành địa phương nên có không ít bất cập. Tóm lại, việc quản lý, giám sát lĩnh vực này từ trung ương đến địa phương còn thiếu chủ động, lúng túng và chậm trễ.

Trong khi đó, việc quản lý tại các tổ chức sử dụng nguồn phóng xạ công nghiệp (rất nhiều trong đó là nguồn phóng xạ di động dễ vận chuyển) lại thiếu chặt chẽ. Việc không có khu vực bảo quản chuyên biệt, lại thêm nguồn nhân lực biến động đã dẫn tới công tác kiểm tra, kiểm soát thiếu nhất quán... Đây là một trong nhiều lỗ hổng khiến việc mất nguồn phóng xạ những năm gần đây gần như chỉ xảy ra ở các cơ sở công nghiệp. Và sau mỗi lần xảy ra sự cố thì điệp khúc muôn thuở là các cơ quan quản lý nhắc nhở, cam kết chấn chỉnh hoạt động nghiệp vụ; địa phương tổ chức họp bàn, rút kinh nghiệm...

Trong khi chuyện mất nguồn phóng xạ có dấu hiệu gia tăng thì Hà Nội - địa phương sở hữu nguồn phóng xạ công nghiệp lớn thứ hai cả nước, với gần 1.000 nguồn của khoảng 170 tổ chức - đã có những giải pháp khá rõ ràng. Đó là việc xây dựng những kịch bản ứng phó, phân vai trách nhiệm cụ thể trước những tình huống thất lạc nguồn phóng xạ... Đặc biệt, Hà Nội đã biên soạn và in poster hình ảnh giới thiệu về các loại, kiểu bình chứa nguồn phóng xạ và thiết bị có nguồn phóng xạ phát cho các cơ sở thu mua, gia công, chế biến kim loại phế liệu (nơi được dự báo sẽ tiếp nhận nhiều nhất các nguồn phóng xạ vô chủ khi xảy ra sự cố). Hà Nội cũng đã tiến hành điều tra và thu thập thông tin các cơ sở thu gom sắt vụn tại hầu khắp các quận, huyện, thị xã để người thu mua, gia công, chế biến kim loại phế liệu dễ dàng nhận diện bình chứa nguồn phóng xạ, thiết bị có nguồn phóng xạ... Rõ ràng, đây là những giải pháp cần được quan tâm và nhân rộng trong thời gian tới.

Phải khẳng định rằng, cùng sự phát triển của nền kinh tế thì việc nước ta phải sử dụng ngày càng nhiều nguồn phóng xạ vào mục đích công nghiệp là hiển nhiên. Do đó, sự chủ động ứng phó với những tình huống xấu xảy ra là điều cần phải tính đến và muốn vậy thì ý thức của nhà quản lý, người được giao quản lý trực tiếp nguồn phóng xạ và cộng đồng cần phải được nâng lên. Tình trạng nhiều lần "mất bò" nhưng vẫn chưa lo... "làm chuồng" cần phải được loại bỏ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Mất bò" vẫn chưa lo... "làm chuồng"!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.