(HNM) - Lãi suất tín dụng đã được điều chỉnh nhiều lần trong năm 2020 để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song sang đến năm 2021, câu hỏi đặt ra là liệu lãi suất có duy trì mặt bằng thấp hay tăng trở lại? Theo dự báo của các chuyên gia, chính sách tiền tệ sẽ duy trì trạng thái nới lỏng nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng mặt bằng lãi suất nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm nay.
Giữ ổn định những tháng đầu năm
Theo báo cáo hoạt động mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND có xu hướng giảm so với cùng thời điểm này năm 2020 và cuối năm 2019. Hiện đối với các lĩnh vực sản xuất, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND phổ biến ở mức 3-4,5%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến 4,2-6%/năm.
Trong những ngày đầu năm 2021, nhiều ngân hàng vẫn duy trì lãi suất tiết kiệm ở mức thấp và xu hướng giảm còn xuất hiện. Lãnh đạo của hầu hết các ngân hàng thương mại đều khẳng định sẽ không tăng lãi suất trong các tháng đầu năm để tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Thực tế, biểu lãi suất tiết kiệm được các ngân hàng niêm yết đều duy trì mức thấp như cuối năm 2020, thậm chí còn điều chỉnh giảm nhẹ. Cụ thể, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng 0,1%, xuống còn 3,3%/năm và 3,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2% xuống còn 5,5%/năm và kỳ hạn 24 tháng giảm 0,3%/năm xuống 5,4%/năm.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) duy trì biểu lãi suất cũ. Trong đó, lãi suất cao nhất là 5,6%/năm cho các khoản tiền gửi tại kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng.
Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho thấy, mặt bằng lãi suất sẽ vẫn giữ ở mức thấp trong các quý đầu năm 2021, tạo thành một trạng thái khá ổn định và kéo dài. Còn Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) Đào Minh Anh nhận định, dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt ở Việt Nam, nhưng sự thông thương với quốc tế đã và sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, nên 2021 vẫn là năm khó khăn đối với doanh nghiệp cũng như các ngân hàng. Đây là lúc ngân hàng tiếp tục giảm chi phí, lãi suất để sát cánh, hỗ trợ doanh nghiệp.
Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, những hỗ trợ của ngành Ngân hàng cũng như VietinBank không chỉ dừng ở năm 2020, mà sẽ tiếp tục trong năm 2021. VietinBank sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với các khoản cho vay cũ theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô
Nhiều chuyên gia cho rằng, những tháng cuối năm 2021, mặt bằng lãi suất huy động sẽ nhích dần lên do nền kinh tế phục hồi. Tiến sĩ Phạm Thế Anh (Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, khi nào nhu cầu sử dụng vốn tăng trở lại thì lãi suất sẽ tăng dần lên. Việc nhích lên của mặt bằng lãi suất sẽ không quá nhanh, khả năng tăng khoảng 0,25-0,5%/năm trong những tháng cuối năm 2021.
Còn theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, năm 2021, nền kinh tế Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế dự báo sẽ phục hồi nhanh, đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao, khoảng 6,7%-6,8%... Khi đó, nhu cầu về vốn của nền kinh tế, doanh nghiệp sẽ tăng lên; nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng sẽ tăng lên, đẩy mặt bằng lãi suất tăng theo. Tuy nhiên, định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước là giữ mặt bằng lãi suất ổn định, để nhằm vừa ổn định vĩ mô, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, nên mặt bằng lãi suất sẽ chỉ nhích nhẹ và có thể chỉ ở từng thời điểm.
Theo nghiên cứu của Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), mặt bằng lãi suất có thể chạm đáy vào nửa đầu năm 2021, nhưng dự báo tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm 2021 do nhiều nguyên nhân, như tốc độ tăng trưởng tín dụng thời gian cuối năm thường sẽ hồi phục nhanh; lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10-2021 đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, trong năm 2021, các ngân hàng thương mại phải xây dựng kế hoạch kinh doanh theo hướng giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với khoản vay cũ, khoản vay trung, dài hạn… Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2021, mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế và tín dụng được ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.