(HNMO)-Trong tháng 4, lãi suất huy động và cho vay VND của các tổ chức tín dụng giảm nhẹ sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện cho vay thỏa thuận và hầu hết các thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thống nhất chuyển các chi phí khuyến mãi trước đây vào lãi suất huy động niêm yết.
(HNMO)-Trong tháng 4, lãi suất huy động và cho vay VND của các tổ chức tín dụng giảm nhẹ sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện cho vay thỏa thuận và hầu hết các thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thống nhất chuyển các chi phí khuyến mãi trước đây vào lãi suất huy động niêm yết.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất huy động VND còn phổ biến ở mức 11,5-11,9%/năm; lãi suất cho vay VND phục vụ sản xuất-kinh doanh phổ biến là 14-15%/năm (mức cao nhất khoảng 16-17%/năm), trong đó, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại nhà nước thấp hơn khá nhiều so với các tổ chức tín dụng khác (13,5-14,5%/năm), riêng lãi suất cho vay chi phí sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu khoảng 13-13,5%/năm.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng ít biến động. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tương đối ổn định (lãi suất qua đêm khoảng 7%/năm, 1 tuần là 7,5%/năm, 2 tuần là 8%/năm, 1 tháng là 9%/năm) do khả năng thanh toán của hầu hết các ngân hàng được đảm bảo.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, việc đưa mức lãi suất xuống mức như vậy là phù hợp với thị trường cũng như các mục tiêu ngắn và dài hạn.
“Hiện lãi suất được kéo giảm xuống là điều đáng mừng, làm giảm chi phí vay vốn, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận được vốn dễ dàng hơn, đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh. Lãi suất đối với một số lĩnh vực ưu tiên đã được giảm. Đây là một nỗ lực lớn của ngành Ngân hàng trong thời gian qua. Các ngân hàng thương mại đã đạt được sự thống nhất, tuân thủ sự điều hành của Chính phủ và sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Nỗ lực của ngành Ngân hàng là yếu tố tích cực cho tăng trưởng kinh tế.”-Phó Thống đốc nhận định.
Cũng trong tháng 4, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 2,92% so với tháng trước, trong đó tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng tăng 3,59%.
Về huy động vốn, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 2,8% so với tháng trước; trong đó tiền gửi bằng VND tăng 3,33%, tiền gửi bằng ngoại tệ tăng 0,78%. So với cuối năm trước, tổng số dư tiền gửi của khách hàng ước tăng 5,93%.
Tín dụng đối với nền kinh tế tháng 4 ước tăng 1,73% so với tháng trước, trong đó tín dụng bằng VND tăng 1,41%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 3%. So với cuối năm trước, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 5,58%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.