(HNM) - Trước tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có chỉ đạo và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra.
Tuy nhiên, để chấm dứt hoàn toàn tình trạng này vẫn là bài toán nan giải. Bởi thực tế, cát, sỏi là loại vật liệu mà hiện nay cũng như trong tương lai gần nhu cầu tiêu thụ vẫn rất lớn. Trong khi đó, việc khai thác tương đối dễ dàng. Đối tượng chỉ cần sử dụng tàu có lắp máy hút công suất lớn là có thể lấy được cát, sau đó đưa đến điểm tập kết để chuyển đi tiêu thụ.
Chính vì vậy, đối tượng vi phạm sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn đối phó với lực lượng chức năng, thậm chí, không ít trường hợp sử dụng cả "xã hội đen" để bảo kê, cảnh giới và đe dọa trả thù những ai phát giác, tố cáo. Mặt khác, với đặc điểm hoạt động trên các tuyến sông nên việc kiểm tra, xử lý tàu khai thác cát, sỏi trái phép không dễ, đòi hỏi phải có phương tiện và lực lượng đủ mạnh.
Có một điểm đáng chú ý là trong nhiều vụ việc vi phạm khai thác cát, sỏi trái phép bị phát hiện, xử lý hay dư luận nhân dân bức xúc phản ánh có một yếu tố hay được nhắc tới là "địa bàn giáp ranh". Địa bàn giáp ranh giữa hai tỉnh, hai huyện, kể cả hai xã cùng một huyện thường là nơi các đối tượng vi phạm lợi dụng hoạt động. Đồng thời, địa bàn giáp ranh cũng là lý do để lực lượng chức năng và chính quyền địa phương giải thích cho sự lúng túng trong xử lý vi phạm.
Thực tế này khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi: Tại sao các địa phương không thể phối hợp với nhau để cùng giải quyết nạn khai thác cát, sỏi trái phép ở khu vực này?
Hậu quả của việc khai thác cát, sỏi trái phép đã rõ, đó là nguồn tài nguyên bị ngang nhiên đánh cắp; lòng sông bị hút sâu làm thay đổi dòng chảy, dẫn đến sạt lở bờ sông; việc bảo kê, tranh giành bến, bãi gây mất an ninh - trật tự, an toàn xã hội... Điều đó đòi hỏi phải tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong giải quyết tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép.
Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định quản lý cát, sỏi lòng sông, trong đó có nội dung đáng chú ý là Nhà nước thống nhất quản lý cát, sỏi theo quy định của Luật Khoáng sản gắn với trách nhiệm bảo vệ lòng, bờ sông theo quy định của Luật Tài nguyên nước.
Quy hoạch sử dụng cát, sỏi theo lưu vực sông sẽ được lập, gắn với phân cấp trách nhiệm quản lý theo địa giới hành chính của địa phương. Việc khai thác cát, sỏi theo quy hoạch sẽ được đấu giá để bảo đảm sự công khai, minh bạch...
Song, bên cạnh việc xây dựng hành lang pháp lý, có phân định rõ trách nhiệm để quản lý chặt chẽ hơn việc khai thác cát, sỏi, thì việc xử lý vi phạm cũng không thể xao nhãng. Trước hết, người dân địa phương chủ động giám sát, cung cấp thông tin cho chính quyền và lực lượng chức năng. Chính quyền và lực lượng chức năng chủ động thực thi trách nhiệm quản lý và nhiệm vụ được giao; đặc biệt là việc chủ động phối hợp cùng xử lý vi phạm trên khu vực giáp ranh, thay vì đùn đẩy, né tránh, bên này nhìn bên kia.
Kiên quyết xử lý nghiêm minh theo pháp luật đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép; đối tượng chủ mưu, bảo kê cho khai thác cát, sỏi trái phép và cả lãnh đạo địa phương để xảy ra tình trạng trên, như đã từng làm quyết liệt trong những tháng qua.
Vừa siết chặt công tác quản lý, vừa mạnh tay, quyết liệt trong xử lý vi phạm là cách để giải quyết triệt để tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.