(HNM) - Thức ăn đường phố từ lâu đã trở nên quen thuộc với người dân, nhất là ở các thành phố lớn...
Tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt, một bộ phận người chế biến, kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố thiếu trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng, dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Dễ thấy nhất là phần lớn khu vực chế biến chưa bảo đảm vệ sinh, chưa thực hiện quy trình thực phẩm một chiều, bày bán thực phẩm trên vỉa hè, ngay cạnh những vị trí dễ gây ô nhiễm, diện tích kinh doanh chật hẹp, điểm bán hàng cũng là nơi sinh sống của gia đình… Hình ảnh các quầy, mẹt hàng thức ăn vặt nhả khói trên vỉa hè, người đứng ngồi ăn uống nhồm nhoàm còn làm cho bộ mặt đô thị nhếch nhác, đi ngược mục tiêu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.
Trong khi đó, sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa quyết liệt, kiểm tra và xử phạt vẫn chủ yếu là nhắc nhở, còn nặng về hình thức. Mặt khác, bất cứ người tiêu dùng nào cũng biết những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng thức ăn đường phố, nhưng họ vẫn "nhắm mắt đưa chân"... Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến thực phẩm "bẩn" vẫn còn đất "sống".
Không phải đến thời điểm này, cơ quan chức năng mới “tuyên chiến” với thức ăn đường phố không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Những năm qua, TP Hà Nội triển khai nhiều mô hình thí điểm để tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong lĩnh vực này. Kết quả bước đầu cho thấy, các mô hình thí điểm đã tác động tích cực đến công tác quản lý và nhận thức của chủ các cơ sở kinh doanh. Đặc biệt, hiện nay trách nhiệm quản lý đã rõ khi đầu mối quản lý được gắn cụ thể với UBND cấp xã, phường, quận, huyện và người chịu trách nhiệm là chủ tịch và phó chủ tịch UBND. Mới đây nhất, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 4750/UBND-KGVX, yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.
Thực tế cho thấy, việc quản lý kinh doanh thức ăn đường phố hiện nay vẫn khó kiểm soát do hình thức kinh doanh đa dạng, cơ động. Đa phần các quán ăn vỉa hè hiện nay, đặc biệt tại các cổng bệnh viện, trường học còn hạn chế về trang thiết bị, dụng cụ chế biến, vệ sinh môi trường.
Để khắc phục tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đối với loại hình kinh doanh thức ăn đường phố ở Hà Nội, trước tiên phải quản lý được nguồn gốc thực phẩm. Trong đó phải có biện pháp để ngăn chặn tình trạng thực phẩm tốt thì được đưa vào những bếp ăn được kiểm tra nghiêm ngặt, ngược lại, thực phẩm chất lượng kém thì tuồn ra các cơ sở ẩm thực “bình dân”.
Cùng với đó, các ngành chức năng cần mở các lớp tập huấn cho những người buôn bán thức ăn đường phố về chế biến, sử dụng, bảo quản thực phẩm. Đặc biệt, cần giúp người bán hàng hình thành thói quen đeo găng tay khi chế biến thực phẩm; sử dụng dụng cụ chuẩn bị thức ăn cho khách thay vì dùng tay không...
Mặt khác, hơn ai hết, thực khách phải nâng cao ý thức, xóa bỏ thói quen “bán gì cũng ăn” mà không cần biết đồ ăn sạch hay bẩn. Người dân cần trở thành những người tiêu dùng thông thái, biết lựa chọn nơi cung cấp an toàn và những loại thực phẩm an toàn, nói không với đồ ăn chất lượng kém… Có như vậy mới giúp tác động ngược trở lại người bán hàng, để người bán hàng “cung theo đúng nhu cầu”.
Hiện nay chế tài xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm đã được xây dựng khá đầy đủ. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay xử lý với thực phẩm “bẩn” để người dân an tâm khi sử dụng các dịch vụ thức ăn đường phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.