(HNM) - Hà Nội hiện có khoảng 2.000 cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính, tiềm ẩn nhiều phức tạp về hoạt động “tín dụng đen”, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.
Quảng cáo cầm đồ, cho vay len lỏi vào nhiều ngõ phố. Ảnh: Thái Hiền |
Nhiều biến tướng
Theo Công an thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, số lượng cơ sở cầm đồ trên địa bàn giảm đi nhưng cơ sở kinh doanh tài chính lại tăng, tiềm ẩn nhiều phức tạp về hoạt động “tín dụng đen”. Cũng trong thời gian trên, Công an thành phố đã phát hiện 80 cơ sở có vi phạm, xác minh 8 cơ sở kinh doanh tài chính có dấu hiệu cho vay nặng lãi.
Đáng lưu ý, trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm dịp Tết Kỷ Hợi, 5 ổ nhóm có tổ chức liên quan đến “tín dụng đen” cũng đã bị triệt phá. Trong số đó, Công an quận Nam Từ Liêm đã triệt xóa ổ nhóm cho vay lãi nặng do Đào Xuân Thắng (trú ở quận Đống Đa) cầm đầu. Thắng cùng 5 đối tượng đã cho 626 người vay dưới dạng “bốc bát họ” với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng, đã thu lãi được hơn 2,2 tỷ đồng. Ổ nhóm này chuyên cho vay tại địa bàn Nam Từ Liêm, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Ba Đình...
Chị Phạm Kim Giang (trú ở quận Nam Từ Liêm, nạn nhân của ổ nhóm cho vay nặng lãi) chia sẻ, các đối tượng cho vay từ 5 triệu đồng đến 200 triệu đồng với tỷ lệ 10 ăn 8. Ví dụ, người vay 10 triệu đồng thì phải nộp luôn tiền lãi là 2 triệu đồng, chỉ được mang về 8 triệu đồng. Trong vòng 30 ngày người vay phải nộp đủ số tiền gốc là 10 triệu. “Nếu trong thời gian trên không trả đủ tiền gốc thì số tiền sẽ tăng theo cấp số nhân”, chị Giang nói.
Không chỉ cho cá nhân vay nặng lãi, các ổ nhóm tội phạm “tín dụng đen” cho cả các doanh nghiệp có nhu cầu vốn vay với lãi suất cắt cổ. Điển hình là cuối tháng 1-2019, Phòng Cảnh sát hình sự triệt phá ổ nhóm núp bóng doanh nghiệp tổ chức cho vay nặng lãi do Triệu Đình Hoan (trú ở quận Hà Đông) cầm đầu, bắt giữ 11 đối tượng và thu giữ hơn 11 tỷ đồng. Theo cơ quan điều tra, năm 2010 Hoan mở một công ty bình phong nhưng thực chất là ổ nhóm cho các doanh nghiệp cho vay nặng lãi. Đến nay, đã xác định có hơn 100 doanh nghiệp vay nợ công ty của Hoan với số tiền rất lớn.
Trung tá Tống Đăng Công, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (Công an quận Hoàn Kiếm) nhận định, “tín dụng đen” hiện nay phổ biến và đa dạng về hình thức. Khi bị tấn công mạnh ở nơi này, các đối tượng lại di chuyển đến nơi khác để tiếp tục hoạt động. Tội phạm này không khó nhận diện, nhưng không dễ bắt quả tang hành vi vi phạm bởi lãi suất không thể hiện qua hợp đồng cho vay mà lập dưới hình thức mua bán tài sản của con nợ. “Do đó, nhiều nạn nhân đã mất ngay tài sản khi vừa đặt bút ký hợp đồng vay tài chính”, Trung tá Tống Đăng Công cho biết.
Tổng lực triệt xóa “tín dụng đen”
Hoạt động “tín dụng đen” có nhiều biến tướng với thủ đoạn tinh vi. |
Phòng Cảnh sát hình sự liên tục phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã mở các đợt kiểm tra, nhằm phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản từ cho vay nợ tiền bạc liên quan đến "tín dụng đen", không để hình thành điểm nóng, gây bất ổn về an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.
Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự cho biết, Công an thành phố đã kiến nghị UBND thành phố xem xét hạn chế cấp phép đối với các công ty tài chính, cầm đồ… tại địa bàn phức tạp. Ngoài ra, lực lượng công an đã kiến nghị phải tăng nặng hình thức xử lý với hành vi cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”. Cùng với đó, Công an thành phố tổ chức tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm “tín dụng đen”.
Hiện nay, lực lượng công an cơ sở đã yêu cầu 100% các tổ chức hoạt động kinh doanh tài chính, cầm đồ phải ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. “Ngoài nỗ lực của công an, việc phát triển mạnh mẽ hệ thống tín dụng tiêu dùng chính thống sẽ là biện pháp căn cơ, hiệu quả nhất và mang tính chủ động trong việc ngăn chặn “tín dụng đen” - Thượng tá Nguyễn Bình cho biết.
Phòng Cảnh sát hình sự cũng khuyến cáo người dân có nhu cầu vay vốn làm ăn hoặc giải quyết những vấn đề liên quan đến tài chính tốt nhất nên tiếp cận các nguồn vốn của các ngân hàng thương mại. Tuyệt đối không vay tiền của các tổ chức, cá nhân không rõ nguồn gốc... Khi phát hiện những hành vi cho vay lãi suất cao, siết nợ, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ xử lý kịp thời.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có Văn bản số 1783/NHNN-TD về việc phối hợp triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Trong đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”. Đồng thời, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty được cấp phép hoạt động dịch vụ tài chính, các hiệu cầm đồ để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời những hành vi chưa đúng quy định của pháp luật... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.