(HNM) - Trong tác phẩm
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) - "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" cũng khẳng định: Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là khâu mở đầu, mấu chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, một vũ khí sắc bén, là một quy luật để xây dựng và phát triển Đảng. Và trong 3 nhóm giải pháp quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) thì việc tự phê bình, phê bình được coi có tính chất đột phá, quyết định đến hiệu quả của công tác xây dựng Đảng.
Tại sao lại như vậy? Đơn giản là vì dù không giấu giếm khuyết điểm, nhưng từng cá nhân, tập thể muốn nhận ra khuyết điểm của mình thì phải thông qua việc tự phê bình và phê bình. Tự phê bình là tự nhìn nhận, đánh giá bản thân mình được hay chưa được ở điểm nào, đâu là thế mạnh, là những mặt tốt cần phát huy, đâu là những khuyết điểm, yếu kém cần sửa chữa. Nhưng tự phê bình là chưa đủ,
bởi trong mỗi người đều tồn tại những yếu tố chủ quan nên không thể thấy hết những cái ưu, cái khuyết của bản thân mình. Do đó, phải thực hiện phê bình thông qua tập thể để có thể kiểm điểm từng cá nhân một cách sâu sắc, toàn diện và triệt để. Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), tại hội nghị cán bộ toàn quốc hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặc biệt nhấn mạnh 9 điểm mới, nổi bật, phát triển thêm so với các đợt kiểm điểm tự phê bình, phê bình để xây dựng Đảng trước đây. Đó là những nỗ lực, kinh nghiệm và kết quả bước đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này nhằm thực hiện một số nội dung, một số nhóm vấn đề về xây dựng Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 tập trung lãnh đạo và nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong kiểm điểm phải đánh giá nghiêm túc, khách quan, đúng mức, cả ưu điểm, khuyết điểm, kết quả và cả hạn chế, thiếu sót; nếu quy trách nhiệm thì trách nhiệm thế nào, mức độ ra sao, cá nhân hay tổ chức, không thể nêu chung chung, đại khái. Phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa quan trọng của đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này; từ đó có quyết tâm cao, có biện pháp tổ chức, chỉ đạo chặt chẽ, tỉ mỉ, tìm ra cách làm phù hợp, khả thi; bảo đảm kết quả thực chất, không làm chiếu lệ, đồng thời tránh tình trạng nể nang cũng như lợi dụng kiểm điểm để thổi phồng khuyết điểm với động cơ không trong sáng…
Bên cạnh đó, Nghị quyết Trung ương 4 cũng đặc biệt nhấn mạnh tính gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tự phê bình và phê bình. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từ trung ương tới địa phương, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu làm trước và thực sự gương mẫu để các cấp noi theo.
Như vậy, quyết tâm và cách làm đều đã rõ. Tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 đã được toàn Đảng, toàn dân đồng tình, nhất trí rất cao vì đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn công tác xây dựng Đảng và mong mỏi chính đáng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vẫn biết tiến hành tự phê bình và phê bình đối với từng cá nhân, tập thể là công việc đầy khó khăn và thử thách. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: "Đây là một thời điểm rất thiêng liêng và hệ trọng, đang làm những công việc rất thiêng liêng và hệ trọng". Do đó mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện cao độ nhất trách nhiệm đối với đất nước, đối với dân tộc và đối với Đảng để phát huy đầy đủ tinh thần trách nhiệm làm tốt công việc này. Đây là thời điểm phải hết sức tỉnh táo, bình tĩnh, vững vàng, thể hiện cho được bản lĩnh, phẩm chất tốt đẹp của người cộng sản, của người đảng viên cộng sản chân chính của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.