Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mạng xã hội cũng là công cụ giáo dục

Thế Phương| 28/03/2013 05:50

(HNM) - Trong buổi làm việc với Ban Bí thư Trung ương Đoàn mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ đã đồng ý xây dựng mạng xã hội cho thanh niên. Hiện có khoảng 30% dân số Việt Nam sử dụng internet, trong đó chủ yếu là thanh niên, vì vậy việc xây dựng mạng xã hội ở Việt Nam là cần thiết. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, lập đề án triển khai.

Trong một môi trường truyền thông đa phương tiện, với chiếc máy tính nối mạng, người ta có thể tìm kiếm thông tin xuyên biên giới, kết nối cộng đồng trên mọi châu lục. Internet ở một khía cạnh nào đó đã làm thay đổi thói quen, tư duy, lối sống, văn hóa… của không ít người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay. Với những đặc điểm phát triển tâm lý, giới trẻ nhanh chóng tiếp nhận những trào lưu công nghệ mới, phương thức giao tiếp mới…, đã tích cực đến với mạng xã hội, trở thành những "cư dân" chịu tác động rất lớn ở cả hai phương diện tích cực và tiêu cực của hệ thống này.

Với nguồn thông tin phong phú, đa dạng, cùng khả năng kết nối rộng lớn, mạng xã hội là nơi cung cấp nguồn tri thức bất tận của nhân loại, nơi có thể nâng cao giá trị bản thân, sẻ chia nỗi buồn, niềm vui với những người có cùng sở thích. Đồng thời, mạng xã hội cũng là nơi gắn kết cộng đồng, phát đi thông điệp của những trái tim chung nhịp đập nhân ái, giúp đỡ những người có hoàn cảnh bất hạnh, thương tâm. Thế nhưng, mạng xã hội cũng là một "mê cung" khiến người ta rất dễ lạc lối. Có không ít người trẻ đã coi mạng xã hội như chỗ dựa tinh thần, vẽ ra một cuộc sống hoàn toàn khác với thế giới thật, thậm chí trở thành những kẻ tội đồ.

Thời gian gần đây, có nhiều vụ scandal liên quan đặc biệt đến người của công chúng bị tung lên mạng, làm biến dạng cuộc sống bình thường của không ít người, làm "ô nhiễm" môi trường văn hóa, tạo ra sự phản cảm trong cộng đồng, biến mạng xã hội thành nơi chuyển tải lối sống tha hóa... Mặt tiêu cực của mạng xã hội ngày càng phát tác, gây nên tình trạng nghiện game online trong giới trẻ, để lại nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình và xã hội. Chưa kể một lượng lớn những thông tin không có nguồn gốc rõ ràng, chưa được kiểm chứng, nhằm mục đích nói xấu, bôi nhọ người khác, hoặc tuyên truyền cho những mục đích cá nhân, gây hoang mang dư luận, tiếp tay cho các thế lực phản động, thù địch chống phá đất nước, dân tộc....

Vấn đề đặt ra là phải quản lý việc sử dụng mạng xã hội như thế nào để đem đến hiệu quả cao nhất và hạn chế những mặt tiêu cực? Làm thế nào để định hướng hành vi, nhận thức, thái độ của những người trẻ trong một môi trường thông tin dường như bị xóa nhòa ranh giới để họ nhận thức đúng giá trị đích thực và giá trị ảo, văn hóa và phản văn hóa? Hơn ai hết, chính thanh niên, những người trẻ tuổi phải gánh vác trách nhiệm này vì cộng đồng và vì chính lớp người nắm giữ tương lai của đất nước.

Chưa có con số thống kê chính xác, nhưng thực tế, số người vị thành niên và cả người trưởng thành thường xuyên trao đổi thông tin qua mạng với những người không hề quen biết đang gia tăng rất nhanh, và thậm chí đã trở thành một trào lưu mới trong xã hội. Internet là thành tựu vĩ đại của nhân loại, mạng xã hội là công cụ để giao tiếp. Đoàn Thanh niên tham gia vào xây dựng, vận hành mạng xã hội để hiểu biết, tăng cường tương tác giữa tổ chức với chính giới trẻ là hết sức cần thiết. Đây cũng là môi trường mới để đoàn viên, thanh niên thể hiện và thực hiện trách nhiệm xã hội, chia sẻ hỗ trợ, định hướng, giáo dục chính lớp trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mạng xã hội cũng là công cụ giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.