Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mảng màu sáng của kinh tế thế giới

Vân Khanh| 04/05/2012 06:24

(HNM) - Đối lập với những mảng màu u ám của kinh tế Châu Âu, những gam màu vẫn còn những khoảng tối của kinh tế Mỹ, Nhật Bản… sự vững chãi của kinh tế Mỹ Latinh có lẽ là điểm nhấn tươi sáng nhất truyền cảm hứng cho bức tranh kinh tế toàn cầu thời hậu khủng hoảng.

Vẫn bị ảnh hưởng ít nhiều bởi sự suy giảm của những khu vực khác, song theo đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trong báo cáo "Triển vọng kinh tế Tây bán cầu" vừa được công bố, các nước Mỹ Latinh vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định với mức dự kiến là 3,75% trong năm nay và 4% trong năm tiếp theo.

Khả năng hồi phục bền vững sau khủng hoảng giúp Mỹ Latinh duy trì đà phát triển mạnh mẽ.


Mức tăng trưởng rất đáng "thèm muốn" này xuất hiện trong bối cảnh những cường quốc thế giới đang vật vã kéo nền kinh tế khỏi bờ vực suy thoái. Sự thần kỳ đó cũng một lần nữa khẳng định những nhận xét trước đó rằng Mỹ Latinh là vùng lãnh thổ duy nhất vẫn còn khả năng miễn dịch khá tốt đối với những biến động ghê gớm trên thị trường tài chính thế giới. Đến lúc này, chắc chắn sẽ có nhiều câu hỏi đặt ra là sức mạnh nào đã khiến một khu vực vẫn còn gánh trên vai không ít áp lực đói nghèo trở thành tâm điểm của những nỗ lực hồi phục bền vững đầy ấn tượng.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, cuộc cách mạng kinh tế thầm lặng được thực hiện suốt 20 năm qua để lại những dấu ấn nội sinh mạnh mẽ tại Mỹ Latinh hiện đã bắt đầu cho những trái ngọt. Nền tảng vững chắc được tạo lập từ các quy chế tài chính dần hoàn thiện, thặng dư ngân sách cao, dự trữ ngoại tệ lớn... đã tạo nên một lá chắn hiệu quả giúp khu vực gồm các quốc gia đang phát triển có khả năng chống chịu lớn đối với các cú sốc từ bên ngoài. Lửa thử vàng, sự hỗn loạn của kinh tế thế giới kể từ sau cơn khủng hoảng tồi tệ 2008 đã chứng minh rằng các quốc gia trong khu vực đã phát triển được nhờ những chính sách đúng hướng và hiệu quả. Hoạt động sản xuất phát triển mạnh cùng với khả năng xuất khẩu nguyên liệu thô từ một số thành viên đã đưa Mỹ Latinh thành khu vực có dự trữ ngoại tệ đáng kể và do đó giảm được nợ bên ngoài. Song song với đó, các chính sách tiền tệ với các công cụ điều tiết vĩ mô khôn ngoan nhằm giữ vững giá trị các đồng nội tệ và tỷ giá hối đoái linh hoạt đã cho phép tiết chế những biến động bất thường có nguy cơ hủy hoại nền kinh tế. Nhờ các chiến lược năng động và sự ổn định cao giữa lúc nhiều khu vực khác của hành tinh đều phải đối diện với những vấn đề liên tiếp nảy sinh, Mỹ Latinh được xem là vùng đất hứa thu hút được dòng vốn ngoại ồ ạt đổ về. Sự ưu ái của các nhà đầu tư quốc tế đã mang lại thuận lợi lớn cho những quốc gia đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng và làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng của xã hội.

Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi có khả năng gây nguy hiểm cho nền kinh tế Mỹ Latinh. Sự tập trung quá nhiều của các dòng tiền có thể sẽ phá hỏng các chính sách tiền tệ hiệu quả đang được áp dụng tại khu vực với lạm phát tăng cao và bong bóng tài sản. Song, với sự bất định và dễ bị đảo ngược của kinh tế toàn cầu, vùng đất này chưa thể bước vào giai đoạn phục hồi thực sự bền vững. Dù nhiều hay ít, căng thẳng nợ nần tại Châu Âu, biến động thất thường khó dự đoán của giá dầu, thực trạng mất cân bằng tài chính dai dẳng ở người láng giềng giàu có là Mỹ... vẫn là những ẩn họa trực tiếp đe dọa nền kinh tế Mỹ Latinh. Bên cạnh đó, cũng cần nhìn nhận rằng, bản thân khu vực cũng còn tồn đọng nhiều vấn đề nội tại. Số người rơi vào nghèo đói ở Mỹ La tinh tăng thêm 9 triệu người trong năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở ngưỡng trên dưới 8%, năng suất lao động thấp, phụ thuộc quá nhiều vào ngành du lịch... là những ẩn số rất cần được giải đáp.

Dẫu vậy, trụ vững qua những thăng trầm của kinh tế thế giới, tăng trưởng hấp dẫn ở hầu khắp các quốc gia trong khu vực là một kinh nghiệm thành công quý giá và mang đến cho Mỹ Latinh một vị thế mới trên bản đồ kinh tế thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mảng màu sáng của kinh tế thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.