(HNMO) - Sau đêm diễn thành công vở Hồ Thiên Nga tại TP Hồ Chí Minh (1/2016), Nhà hát Ballet Nga Talarium Et Lux đã tiếp tục mang đến cho công chúng Thủ đô Hà Nội vở ballet cổ điển và mẫu mực “Kẹp hạt dẻ”.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên những nghệ sĩ ba-lê tài năng đến từ nước Nga trình diễn cùng 20 em nhỏ của Việt Nam – những vũ công được tuyển chọn từ cuộc thi Ballet nhí khởi động từ tháng 9 vừa qua.
Buổi công diễn vở vũ kịch “Kẹp hạt dẻ” tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia tối 3/12 muộn hơn 30 phút để đợi khán giả xếp hàng vào khán phòng xem ballet. Lối trang trí đơn giản nhưng ấm áp mùa Giáng sinh sắp đến tại sảnh đã khiến khán giả nán lại chụp ảnh lưu niệm. Khán phòng tối dần, đằng sau lớp vải nhung màu mực xanh bắt đầu ánh lên những hình ảnh lung linh, bí ẩn. Âm nhạc của Tchaikovsky nổi lên, dồn dập và mời gọi, lôi kéo khán giả vào không khí đêm Giáng sinh ngay khi bức màn từ từ được kéo sang hai bên.
Từ những phút đầu tiên, Nhà hát Talarium Et Lux đã khiến mọi người thích thú bởi chính ý tưởng kết nối ballet cổ điện với công nghệ hiện đại. 5 màn hình LED khổng lồ với những hình ảnh sống động, chuyển cảnh mượt mà, kết hợp với âm nhạc của Tchaikovsky nhanh chóng đưa người xem tập trung vào sân khấu, với tuyết rơi và những ánh đèn dần sáng lên. Một trong những ngôi nhà đó, sẽ diễn ra câu chuyện cổ tích lạ lùng, đầy phiêu lưu và ấm áp mang tên – “Kẹp hạt dẻ”.
Phần mở màn của “Kẹp hạt dẻ” được thực hiện bởi 20 em nhỏ xuất sắc từ cuộc thi ballet nhí từ trước đó. Có lẽ 25 phút mở màn của vở ballet là 25 phút ấn tượng nhất, khi khán giả được nhìn thấy những em nhỏ Việt Nam trình diễn hồn nhiên và sống động trên sân khấu. Không màu mè kiểu cách cũng không phải những động tác khó khiến người xem thán phục, các em mang đến cái hồn nhiên tuyệt vời, đúng với tinh thần của đêm Giáng sinh. Đứng trên đầu ngón chân, những cánh tay thon di chuyển, các em say mê trong từng cử động, như thể đang sống trong không khí của một bữa tiệc đêm Giáng sinh đúng nghĩa.
Nếu như các vũ công nhí Việt Nam là một điểm nhấn ở phần đầu thì phần 2 thực sự khiến khán giả hào hứng và thích thú. Hành trình của Clara và Kẹp hạt dẻ đến vương quốc kẹo ngọt với những vũ điệu khác nhau. Trên sân khấu, khán giả một lần nữa được thấy sự tuyệt vời của công nghệ hình ảnh 3D hiện đại. Từng bối cảnh được thể hiện một cách đẹp mắt và độc đáo khiến người xem dễ hình dung và bám sát nội dung của vở vũ kịch.
Nhưng điều tuyệt vời nhất chính là những màn múa đôi đầy thăng hoa của các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Talarium Et Lux. Được biên đạo bởi nghệ sĩ Vladimirovich, khán giả lại được chứng kiến những đặc sắc và đa dạng của những điệu múa ballet.
Đặc biệt nhất phải kể đến hai nghệ sĩ của vở diễn lần này là Olga Pavlova và Sergay Smirnov. Olga với thể hình nhỏ nhắn, mỏng manh nhưng kỹ thuật hết sức tuyển vời. Những động tác khó đều được Olga thể hiện thuyết phục. Cô khiến cho người xem tin vào thế giới của những vũ điệu trong “Kẹp hạt dẻ” là có thật. Trong khi đó, Sergey Smirnov cũng có sự kết nối tuyệt vời với bạn diễn bằng sự mạnh mẽ, dứt khoát và say đắm.
Vở ballet “Kẹp hạt dẻ” này được nhà soạn nhạc thiên tài P.Tchaikovsky soạn vào năm 1890, dựa trên truyện ngắn "Kẹp hạt dẻ và Vua chuột" của nhà văn Đức E. T. A. Hoffmann. Âm nhạc mà Tchaikovsky viết cho "Kẹp hạt dẻ" phức tạp hơn các vở ballet khác của ông. Vào thời điểm sáng tác, Tchaikovsky đã được gọi là một trong các nhà cách tân vĩ đại nhất của âm nhạc ballet. "Kẹp hạt dẻ" vẫn theo chủ đề chính là cuộc đấu tranh giữa cái ác và tình yêu, và nguyên tắc giao hưởng hóa ballet vẫn được tác giả phát triển. Âm nhạc đã vẽ nên hai thế giới - thế giới thực và thế giới viễn tưởng.
Thế giới thực là nơi người ta đón Giáng sinh đầm ấm, và các giai điệu khiêu vũ thông thường như polka, galop, waltz, trong khi điệu menuet và grossvate…. Thế giới viễn tưởng với những hiệu ứng của bộ dây và bộ gỗ minh họa tiếng động của chuột, kèn oboe và trống trong mô tả trận chiến của chuột và đồ chơi... Đặc biệt, giai điệu của "Điệu waltz của những bông tuyết" tạo nên ấn tượng điều gì đó rất nhẹ đang bay như không trọng lượng.
Khi Tchaikovsky sáng tác vở ballet "Kẹp hạt dẻ", ban đầu điều làm ông mệt mỏi nhất là Confiturembürg - thành phố bánh kẹo cổ tích. Ông đã tìm ra cách giải quyết - đó là lễ hội của các điệu múa dân tộc: điệu múa "Trà" của Trung Hoa, điệu múa "Cà phê" của Ả Rập, điệu múa "Sô cô la" của Tây Ban Nha phối hợp với điệu Trepak của Nga, điệu múa của tiên nữ Kẹo bi, điệu múa của những mục đồng bằng đường và kết thúc bằng cao trào long trọng - điệu "Waltz của những đóa hoa" rực rỡ và trong sáng.
Một cao trào lãng mạn khác - adagio - màn trình diễn của hoàng tử và nữ nhân vật chính. Giai điệu hoành tráng và tươi sáng của Adagio là lý do khiến cho nhiều nhà phê bình cho rằng, đây không hoàn toàn là câu chuyện cổ tích cho trẻ em nữa.
Thành công vở “Hồ Thiên nga” tại TP Hồ Chí Minh và vở “Kẹp hạt dẻ” tại Hà Nội cũng như sự yêu quý của khán giả cho thấy, việc thưởng ngoạn những loại hình nghệ thuật cao cấp như ballet là một nhu cầu có thật của công chúng Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.