Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mai một chiếu chèo Ngọc Nhị

Sơn Tùng| 11/10/2015 07:33

(HNM) - Các loại hình văn hóa truyền thống vốn là món ăn tinh thần không thể thiếu được ở nông thôn như: Chèo, tuồng… nay dần vắng bóng. Lý do một phần vì kinh phí sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở nông thôn thiếu, công tác xã hội hóa không phải ở đâu cũng dễ dàng tìm được

Trong khó khăn ấy, Câu lạc bộ (CLB) Chèo thôn Ngọc Nhị, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì một thời lừng lẫy Xứ Đoài giờ cũng trong tình trạng gồng mình để tồn tại.

Bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo là rất cần thiết.


CLB Chèo thôn Ngọc Nhị được thành lập cách đây gần 50 năm. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ và sau ngày hòa bình, những hội viên trong CLB vẫn duy trì và phát triển hát chèo đến ngày nay. Bà Phùng Minh Tịch, 71 tuổi, là bậc cao niên nhất trong CLB cho biết: CLB Chèo của thôn có 16 thành viên đa phần là người cao tuổi, hội viên trẻ cũng 50 tuổi trở lên. Nhiều năm qua, bà cùng với ông Phùng Quốc Sang là "đạo diễn" của những trích đoạn chèo cổ như Lưu Bình - Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Lý trưởng - mẹ Đốp… và những làn điệu chèo ca ngợi Đảng, quê hương đất nước… Cứ mỗi dịp mừng thọ các cụ cao tuổi, lễ tết, ngày hội đại đoàn kết, hội diễn văn nghệ của xã, CLB Chèo thôn Ngọc Nhị lại cùng nhau tập luyện. Có tiết mục, các hội viên phải tập luyện hàng tháng để đạt hiệu quả cao nhất. Các cụ say sưa hát, mỗi người mỗi vai diễn, tiếng trống, tiếng sáo, tiếng đàn tạo nên những vở diễn ghi dấu ấn trong lòng bà con. Kinh phí thuê trang phục biểu diễn do các hội viên trong CLB tự đóng góp. Chính nhờ sự nhiệt tình, tâm huyết đó, CLB Chèo thôn Ngọc Nhị đã duy trì suốt những năm qua. Trong bất kể hội diễn, giao lưu văn nghệ, CLB đều để lại nhiều ấn tượng cho người xem, giành nhiều giải cao trong các liên hoan văn nghệ quần chúng do huyện tổ chức.

Tâm huyết là vậy, nhưng để duy trì và phát triển CLB rất khó. Bà Tịch cho biết, việc thu hút các cháu thanh niên, phụ nữ trẻ quá khó khăn, bởi giờ nhiều luồng văn hóa lấn át nghệ thuật chèo. Ông Phùng Đoài Thuần, Trưởng thôn Ngọc Nhị cho biết: "Thôn có trên 500 hộ dân, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, việc huy động nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo khó khăn, chính quyền huyện, xã hàng năm cũng không có kinh phí hỗ trợ hoạt động của CLB, giờ chỉ có nhiệt tình của các hội viên mà thôi". Ở thôn Ngọc Nhị có nhiều CLB như dưỡng sinh, bóng chuyền… đều hoạt động trên tinh thần tự nguyện bằng sự đóng góp nhiệt thành của các hội viên. Tuy nhiên, CLB Chèo có đặc thù riêng, chủ yếu là người già, thôn cũng vận động chị em phụ nữ trẻ (tuổi 30, 40) đến các cháu thanh, thiếu niên tham gia CLB, tạo lực lượng kế cận nhưng đến nay vẫn chưa tìm được ai, trong khi bà Tịch, ông Sang ngày một già. "Để mai một tiếng chèo từng là máu thịt, là văn hóa của làng chúng tôi rất trăn trở và tiếc nuối" - ông Thuần phân trần.

Qua tìm hiểu tình hình, trên địa bàn huyện Ba Vì, các môn nghệ thuật truyền thống như chèo đã mai một nhiều. Số người tham gia giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay nên việc duy trì, phát triển nghệ thuật truyền thống là trăn trở của các nhà quản lý nói chung cũng như chính những hội viên của CLB. Nếu như không xây dựng được một đội ngũ kế cận đủ lòng đam mê giữ lửa chèo truyền thống, dẫn tới mai một thực sự là một điều đáng tiếc, trong khi các biểu hiện văn hóa ngoại lai đang có xu hướng xâm lấn mạnh ở nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mai một chiếu chèo Ngọc Nhị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.