(HNM) - Việc người lao động lưu trú tại các kho xưởng, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường. Thực tế một số vụ cháy nhà xưởng gần đây đã phần nào cho thấy nhận định đó là có cơ sở khi nạn nhân tử vong, bị thương là nhân viên lưu trú ngay tại nơi làm việc...
Tình trạng lưu trú trong nhà xưởng tạm bợ diễn ra khá phổ biến. |
Thực trạng đáng lo ngại
Theo điều tra của Công an quận Nam Từ Liêm, vụ cháy 4 kho xưởng tại phố Đại Linh vào ngày 12-4-2019, khiến 8 người tử vong và vụ cháy xưởng sản xuất ghế sofa tại Khu đô thị Trung Văn (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) vào ngày 14-10-2018 khiến 1 người tử vong có điểm chung là những người tử vong đều sinh hoạt, ăn ở ngay tại nơi làm việc. Đám cháy xảy ra bất ngờ vào ban đêm, ngọn lửa lan nhanh do có nhiều chất dễ cháy, kho xưởng lại được xây dựng tạm bợ nên những người ở bên trong không kịp thoát ra ngoài.
Lưu trú, sinh hoạt ngay tại kho xưởng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng điều này lại diễn ra khá phổ biến trên địa bàn thành phố. Là chủ một xưởng tái chế phế liệu tại thôn Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì), ông Nguyễn Văn Tám cho biết, xưởng của ông có 4 nhân công thì 2 người sinh hoạt hằng ngày ngay tại xưởng. Bản thân ông cũng lo lắng trước nguy cơ cháy, nổ sau những vụ cháy xảy ra thời gian qua. Anh Lê Huy Thiệu (quê Thanh Hóa) vừa làm, vừa sinh hoạt tại xưởng của ông Tám giải thích, ở lại nhà xưởng anh tiết kiệm được chi phí thuê nhà trọ và cũng tiện lợi cho công việc, đồng thời góp phần bảo vệ tài sản của xưởng.
Trưởng Công an xã Tân Triều Đỗ Vân Long thừa nhận thực trạng đó và cho biết trên địa bàn xã hiện có hơn 1,1 nghìn lao động thời vụ tạm trú, đa số đều làm việc, sinh hoạt ở tại các kho xưởng kinh doanh, tái chế phế liệu.
Tại huyện Hoài Đức, theo Đại tá Đỗ Đức Quang, Trưởng Công an huyện, địa bàn huyện hiện có trên 800 cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề đang hoạt động và 74 cơ sở bị đình chỉ vì vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, điều đáng nói là qua kiểm tra cho thấy các chủ cơ sở chưa thực sự quan tâm, còn thiếu kiến thức về phòng cháy, chữa cháy. Ở một số cơ sở dệt hay sản xuất bánh kẹo tại La Phù, công nhân làm thuê ở luôn trong xưởng để tiết kiệm chi phí. Chủ cơ sở cũng đồng ý với việc này và cho rằng đây là biện pháp để bảo vệ an ninh cho kho xưởng.
Không chỉ tại các kho xưởng sản xuất, tình trạng tiểu thương lưu trú qua đêm tại cơ sở kinh doanh cũng rất phổ biến. Chị Nguyễn Thu Thùy (trú tại Khu nhà ở Hưng Thịnh, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) cho biết, vợ chồng chị thường xuyên ở lại qua đêm tại cửa hàng buôn bán giày dép nhựa của mình trên phố Thái Hà (quận Đống Đa). “Nhiều lúc chúng tôi ở lại để nhập hàng, khi thì ngại về do nhà xa và cũng tiện cho việc bảo vệ cửa hàng”, chị Thùy nói. Tình trạng này còn diễn ra khá phổ biến tại các chợ đầu mối, nhà hàng, quán ăn… trên địa bàn thành phố.
Tổng kiểm tra các kho xưởng, cơ sở sản xuất, kinh doanh
Thượng tá Trương Đức Dũng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho rằng, hầu hết các kho xưởng, ki ốt thường có kết cấu tạm bợ, chỉ thiết kế một cửa ra vào. Do đó, khi xảy cháy, lửa và nhiệt tác động mạnh khiến kết cấu nhà nhanh chóng sụp đổ, người dân sẽ bị mắc kẹt khó thoát hiểm và việc chữa cháy, cứu nạn của lực lượng chức năng cũng rất khó khăn.
“Nếu cháy xảy ra vào ban đêm thì nguy cơ tử vong càng cao bởi con người bị mất nhận thức trong khi ngủ, lúc này chỉ cần hít khói, khí độc khoảng 30 giây thì nạn nhân sẽ bị ngất nên không thể thoát nạn hoặc tổ chức chữa cháy ban đầu”, Thượng tá Trương Đức Dũng cảnh báo.
Ngoài những hậu quả khôn lường khi xảy ra cháy, nổ, tình trạng lưu trú qua đêm tại các kho xưởng, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng đặt ra nguy cơ mất an ninh, trật tự. Thượng tá Hoàng Văn Trụ, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an thành phố Hà Nội) phân tích, việc người dân lưu trú, sinh sống như vậy rất dễ dẫn đến những tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, các vụ việc gây mất trật tự công cộng và tiềm ẩn nguy cơ trở thành nơi trú ngụ của các loại tội phạm hình sự, truy nã.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) Bùi Văn Khải, việc quản lý lưu trú qua đêm không đơn giản do lực lượng cơ sở rất mỏng, khó kiểm soát hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Mặt khác, nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về những nguy hiểm có thể xảy ra còn hạn chế dẫn đến không thực hiện nghiêm các quy định về lưu trú.
Lường trước những hậu quả có thể xảy ra khi tình trạng người lao động lưu trú qua đêm tại các kho xưởng, cơ sở sản xuất, kinh doanh diễn ra khá phổ biến hiện nay, trong hội nghị giao ban kiểm điểm kết quả công tác tháng 4, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 5-2019 của UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các cơ sở tuyệt đối không cho lưu trú qua đêm tại nhà xưởng, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy.
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, Công an thành phố đang triển khai kế hoạch tổng kiểm tra các kho xưởng, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư nhằm phát hiện các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy. Nếu phát hiện tại các kho xưởng, cơ sở sản xuất, kinh doanh có người ở lại thường xuyên, cơ quan công an sẽ kiểm tra thường trú, tạm trú, vận động người dân không lưu trú qua đêm, đồng thời kiên quyết xử lý trường hợp không thực hiện khai báo với cơ quan công an.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.