Thủ đô Hà Nội đang tập trung phát triển cho những sáng tạo mới với trọng tâm là phát triển Trung tâm Công nghiệp Văn hóa. Hiện nay, dự thảo Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của trung tâm đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi từ người dân và các tầng lớp trong cộng đồng.
Triển khai thực hiện khoản 7 Điều 21 Luật Thủ đô 2024, hứa hẹn mở ra không gian mới cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Đây sẽ là khung pháp lý toàn diện cho việc thành lập, quản lý và vận hành các trung tâm công nghiệp văn hóa, nơi kết nối giữa di sản văn hóa truyền thống và công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có giá trị.
Dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa gồm 5 chương, 24 điều. Trong đó, trung tâm công nghiệp văn hóa được định nghĩa là "khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá". Các trung tâm này có thể được thành lập theo ba mô hình tổ chức: Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc hợp tác xã.
Dự thảo nghị quyết quy định rõ về thẩm quyền thành lập trung tâm công nghiệp văn hóa, quy hoạch trung tâm công nghiệp văn hóa, tổ chức hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa…
Cụ thể, trung tâm công nghiệp văn hóa hoạt động theo các nguyên tắc tuân thủ pháp luật và quy định của thành phố Hà Nội; bảo đảm phát triển bền vững, kết hợp giữa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống với đổi mới sáng tạo.
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong dự thảo Nghị quyết là các chính sách ưu đãi và hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là việc dành ưu tiên trong quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng như hỗ trợ nguồn lực cho các dự án đầu tư mới vào ngành công nghiệp văn hóa.
Thành phố ưu tiên lập quy hoạch và bố trí quỹ đất; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp văn hóa; huy động nguồn lực thực hiện các dự án phát triển công nghiệp văn hóa để giao hoặc cho trung tâm công nghiệp văn hóa thuê; ưu tiên xem xét chuyển đổi công năng của công trình tài sản công thành các không gian sáng tạo văn hóa mới để phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa.
Trung tâm công nghiệp văn hóa, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong trung tâm công nghiệp văn hóa được hưởng chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư mới vào các ngành công nghiệp văn hóa theo quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 43 Luật Thủ đô; được xem xét miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hoá.
Trường hợp thuê công trình tài sản công để thành lập trung tâm công nghiệp văn hoá theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 Nghị quyết này, nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất thuê công trình tài sản công để sử dụng làm trung tâm công nghiệp văn hoá phải làm hồ sơ tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.
Giá cho thuê công trình được xác định trên cơ sở tính toán đủ các chi phí hình thành nên tài sản thuê, bù đắp chi phí bảo trì, bảo dưỡng công trình và tiền thuê đất theo quy định, có tính đến yếu tố khuyến khích trung tâm công nghiệp văn hoá tại thời điểm ký hợp đồng thuê và các lợi ích dài hạn khác.
Thời hạn thuê công trình được xác định theo thoả thuận giữa cơ quan có quá 10 năm. Thời điểm để xác định bắt đầu thời gian thuê là thời điểm ký kết hợp đồng thuê công trình.
Dự thảo Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến việc hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thông qua các chương trình tài trợ và vườn ươm doanh nghiệp, cũng như khuyến khích hợp tác công tư trong phát triển công nghiệp văn hóa. Đây là một chính sách quan trọng giúp các sáng kiến sáng tạo có cơ hội được hiện thực hóa và phát triển bền vững…
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị quyết cũng làm rõ hơn hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa gồm các nội dung sau đây: Dịch vụ tư vấn, hỗ trợ sáng tạo và sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa; dịch vụ hỗ trợ phân phối và tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ văn hóa; tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm văn hóa; Xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm văn hóa trong nước và nước ngoài; cung cấp dịch vụ về hạ tầng, cơ sở vật chất; dịch vụ tổ chức hoạt động trưng bày, biểu diễn, triển lãm và sự kiện văn hóa khác; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực; hoạt động hỗ trợ hợp tác và phát triển; hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; hoạt động hỗ trợ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; hoạt động hợp tác quốc tế về công nghiệp văn hóa…
Hiện thành phố Hà Nội đang công bố rộng rãi dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện và trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, thông qua.
Dự kiến sau khi được thông qua, Nghị quyết này sẽ tạo ra một làn sóng mới trong phát triển công nghiệp văn hóa tại Thủ đô, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành "Thành phố sáng tạo", đồng thời đưa văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại giá trị kinh tế cao và góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.