Thực tế, việc tái cơ cấu nền kinh tế những năm qua chưa thu được kết quả đáng kể, bóng dáng của mô hình tăng trưởng kinh tế mới chưa rõ ràng. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần thay đổi tư duy, tìm ra năng lượng mới cho nền kinh tế.
Cơ cấu kinh tế chưa thay đổi đáng kể
Theo TS Vũ Thành Tự Anh, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, ở Việt Nam, khi nói đến cơ cấu kinh tế thường sẽ nói đến cơ cấu theo ngành, theo lĩnh vực, theo lao động… Tuy nhiên, một cơ cấu rất quan trọng về công nghệ, giá trị gia tăng và năng suất thì hệ thống thống kê chưa thực sự nắm bắt.
“Nhìn vào giỏ hàng hóa xuất khẩu Việt Nam 20, 30 năm trước, dầu thô chiếm khoảng 20%. Bây giờ dầu thô chiếm chưa đến 2%. 20 năm trước, chúng ta chưa xuất khẩu được chiếc điện thoại di động nào, bây giờ điện thoại di động chiếm 20% tổng hàng hoá xuất khẩu... Rõ ràng cơ cấu hàng đã thay đổi nhưng tỷ lệ rất quan trọng mà chúng ta muốn là giá trị gia tăng và năng suất thì chưa thay đổi được”, TS Vũ Thành Tự Anh nêu trong thảo luận bàn tròn, tại Hội thảo khoa học quốc gia: "Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025: Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong kỷ nguyên mới”.
Cùng thảo luận, PGS. TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng, công cuộc tái cơ cấu kinh tế đã qua 15 năm, nhưng thành quả thu được chưa như mong đợi. Tăng trưởng tổng quát tương đối khá nhưng không tạo ra được một mô hình phát triển mới, mô hình tăng trưởng mới.
“Chúng ta luôn đặt vấn đề tái cơ cấu gắn với hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế mới nhưng về cơ bản, sau 15 năm tái cơ cấu rất nỗ lực ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương, chúng ta vẫn chưa tìm thấy bóng dáng của mô hình tăng trưởng mới khác biệt gì nhiều so với trước khi tái cơ cấu”, vị chuyên gia này thẳng thắn nêu.
Đồng tình với cách nhìn nhận của PGS.TS Bùi Tất Thắng, TS Vũ Thành Tự Anh phân tích, về tổng quát, nền kinh tế phải qua giai đoạn tăng trưởng dựa vào các nhân tố đầu vào, cụ thể là liên quan đến dồn nguồn lực cho đầu tư tăng lao động.
Giai đoạn hai bắt đầu tập trung vào tăng trưởng năng suất, là lúc công nghệ phải được đưa vào, cơ sở hạ tầng phải hiện đại, thể chế phải được phát triển, thị trường phải được sử dụng như một cơ chế phân bổ nguồn lực chính…
Đến giai đoạn ba, giai đoạn đổi mới sáng tạo, chuyển giao khoa học công nghệ, phải có những gì độc đáo của Việt Nam và có các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
“Bây giờ Việt Nam đã qua giai đoạn thứ nhất, đang ở giai đoạn thứ hai nhưng chưa chuyển được sang giai đoạn thứ ba. Việc không chuyển được giai đoạn 2, 3 sẽ tạo ra bẫy thu nhập trung bình. Vì vậy, không thể nào tăng được hàm lượng giá trị gia tăng của mình trong các sản phẩm, kể cả sản phẩm xuất khẩu công nghệ cao”, TS Vũ Thành Tự Anh nêu.
Cần đưa kinh tế tư nhân vào vị trí trung tâm
Bàn về nỗ lực trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng, cần định vị lại khu vực đóng vai trò là trụ cột và trọng tâm trong sự phát triển. Đó là trả cho khu vực kinh tế tư nhân vị trí trọng yếu của nó. Khi làm được điều này sẽ tăng được hàm lượng giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam và tiếp nhận chuyển giao cũng như tự sáng tạo ra công nghệ một cách hiệu quả hơn.
Phát triển kinh tế tư nhân và coi đó là nội lực cơ bản nhất của nền kinh tế Việt Nam là một trong các giải pháp để giải bài toán bẫy thu nhập trung bình cho Việt Nam. Nếu nhìn vào khu vực đầu tư FDI và khu vực xuất khẩu, mặc dù mang lại cho Việt Nam rất nhiều điều kiện để trở nên thịnh vượng, nhưng đó cũng là khu vực mà sẽ chịu tác động ngay lập tức và có thể rời khỏi Việt Nam nhanh chóng.
Các chuyên gia cho rằng, Nhà nước nên lựa chọn hỗ trợ cho ngành hoặc doanh nghiệp đã chứng tỏ được ít nhất ở giai đoạn ban đầu về năng lực cạnh tranh. Vai trò của Nhà nước là nâng đỡ, giúp cho doanh nghiệp có bệ phóng cao hơn, có năng lượng nhiều hơn thông qua cơ chế tài chính, cơ chế về quỹ nghiên cứu phát triển, cơ chế hỗ trợ về thể chế.
Lúc đấy, các doanh nghiệp, các ngành bắt đầu bứt phá để trưởng thành, dẫn dắt nền kinh tế, thay vì các thiếu các điều kiện mà cứ mãi dậm chân tại chỗ hoặc thậm chí là lụn bại dần.
Với quan điểm Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, xã hội sẽ hình thành, PGS.TS Bùi Tất Thắng cho rằng, đây là nền tảng giúp hình thành cơ cấu kinh tế mới và mô hình tăng trưởng mới, mà trong đó các mối quan hệ có tỷ lệ hợp lý hơn.
Hiện không nên nhấn mạnh quá nhiều vào tái cơ cấu mô hình cũ và phải có một tư duy mới, xác lập một mô hình cơ cấu kinh tế mới, để từ đó có được tốc độ phát triển bền vững, bao gồm có cơ cấu ngành, cơ cấu công nghệ, cơ cấu không gian phát triển của toàn bộ hệ thống kinh tế; không gian lãnh thổ gồm cả đất liền và biển đảo, có cả rừng, có cả đồng bằng, có cả đô thị và nông thôn.
“Tóm lại cần cách tư duy hoàn toàn mới về cấu trúc, về cơ cấu kinh tế cũng như cơ cấu thể chế hỗ trợ, mới hy vọng có được sự phát triển nhanh chóng và bền vững cho đất nước”, PGS.TS Bùi Tất Thắng nêu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.