Thủ tướng lưu ý, đặt đàm phán, thúc đẩy hợp tác thương mại với Hoa Kỳ trong tổng thể quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cũng như tổng thể quan hệ thương mại Việt Nam với các nước, đối tác.
Chiều 10-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về các nhiệm vụ, giải pháp điều hành phát triển kinh tế, thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, bền vững với Hoa Kỳ, nhất là sau khi Tổng thống Hoa Kỳ D.Trump công bố áp dụng mức thuế 10% và tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng với nhiều đối tác thương mại trong vòng 90 ngày.
Đây là lần thứ 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp triển khai kết luận của Bộ Chính trị, các chỉ đạo của Lãnh đạo chủ chốt, Tổng Bí thư Tô Lâm trước việc Hoa Kỳ công bố áp dụng chính sách thuế quan mới.
Dự cuộc họp có: Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình; các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Bùi Thanh Sơn, Nguyễn Chí Dũng; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành tập trung đánh giá tác động chính sách thuế quan của Hoa Kỳ đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, trực tiếp là các hoạt động sản xuất, xuất khẩu, lao động, việc làm, giá cả thị trường, tài chính, tiền tệ, các mục tiêu tăng trưởng, điều hành kinh tế vĩ mô; đồng thời, đưa ra một số đề xuất nhằm thích ứng với tình hình và tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, bền vững với Hoa Kỳ.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh sự bình tĩnh, sáng suốt, bản lĩnh, nỗ lực, phản ứng kịp thời, linh hoạt, phù hợp và hiệu quả của các bộ, ngành liên quan; cho biết, Tổng thống Hoa Kỳ D.Trump công bố giảm áp dụng mức thuế xuống 10% và tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng với nhiều đối tác thương mại trong vòng 90 ngày. Cùng với đó, phía Hoa Kỳ nhất trí khởi động đàm phán với Việt Nam về một thỏa thuận thương mại đối ứng.
Chỉ đạo thành lập ngay Đoàn đàm phán do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng đoàn để đàm phán với Hoa Kỳ về một thỏa thuận thương mại đối ứng, theo hướng cân bằng, bền vững, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nắm chắc diễn biến tình hình, đề xuất các giải pháp thích ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.
Thủ tướng lưu ý phải đặt việc đàm phán, thúc đẩy hợp tác thương mại với Hoa Kỳ trong tổng thể mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ; trong tổng thể quan hệ thương mại Việt Nam với các nước, đối tác trên toàn thế giới, trong đó có 17 Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, cũng như trong tổng thể quan hệ quốc tế của Việt Nam và với các vấn đề khác. Đồng thời xác định, đây cũng là thời cơ để Việt Nam tái cấu trúc lại nền kinh tế, theo hướng nhanh và bền vững; tái cấu trúc doanh nghiệp; đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; giúp doanh nghiệp Việt Nam lớn lên, tham gia sâu các thị trường lớn, chuỗi cung ứng lớn của thế giới.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục xem xét tăng mua các mặt hàng mà Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như khí hóa lỏng (LNG), tàu bay…; tiếp tục giải quyết hiệu quả các vướng mắc của doanh nghiệp Hoa Kỳ và các vấn đề phía Hoa Kỳ quan tâm; rà soát, xử lý tốt các vấn đề có tính chất phi thuế quan; rà soát, điều chỉnh các quy định liên quan bản quyền, sở hữu trí tuệ; chống hàng giả, hàng nhái, hàng đội lốt xâm nhập thị trường để xuất đi thị trường thứ 3.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải đảm bảo mục tiêu ổn định tình hình trong nước, các nhà đầu tư; ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển khu vực và thế giới; tiếp tục thúc đẩy phát triển; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy tăng trưởng cả 3 khu vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, với việc làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn; kiểm soát nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách.
Theo đó, điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; kết hợp hài hòa, hợp lý chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa; chủ động nguồn ngoại tệ, đảm bảo an toàn dự trữ ngoại tệ; ổn định tỷ giá, giảm mặt bằng lãi suất cho vay; mở rộng các gói tín dụng và nghiên cứu các gói tín dụng mới hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí kinh doanh, 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; khoanh, giãn, hoãn nợ, nhất là các đối tượng bị tác động; giảm, giãn, hoãn, miễn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất theo thẩm quyền, đồng thời đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết; giải quyết kịp thời hoàn thuế giá trị gia tăng; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tạo công ăn, việc làm, đóng góp thúc đẩy tăng trưởng, trong đó rà soát, kiểm điểm rõ trách nhiệm, có chế tài xử lý thỏa đáng.
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới, trong đó xây dựng Quỹ hỗ trợ đầu tư và Cổng đầu tư 1 của quốc gia; tận dụng, khai thác hiệu quả 17 Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết; mở rộng thị trường và tìm kiếm, mở rộng các thị trường mới như Trung Đông, Nam Á, Ai Cập, Nam Mỹ...; cơ cấu lại, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; khuyến khích tiêu dùng trong nước.
Cùng với giải pháp kinh tế, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; rà soát lại số lao động bị ảnh hưởng và có chính sách xác định rõ phạm vi, đối tượng, thời gian, thời điểm, nguồn lực cho vay, hỗ trợ, nhất là đối với lao động thất nghiệp, người có công, người nghèo; đẩy nhanh chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhà ở xã hội cho công nhân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các Phó Thủ tướng phụ trách ngành và các Bộ trưởng, Trưởng ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trực tiếp chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp; đồng thời, nắm chắc tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả trước mọi tình huống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.