(HNMO) - Từ ngày 1/5 tới, lương cơ bản sẽ tăng 5%. Tuy nhiên, nhiều người canh cánh nỗi lo doanh nghiệp và tiểu thương “té nước theo mưa”, mượn cớ tăng lương để tăng giá các mặt hàng thiết yếu.
Theo Nghị quyết 99/2015/QH13 ngày 11/11/2015 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, từ ngày 1/5/2016, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng, tức tăng 60.000 đồng (tương đương 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng. Vì thế, Bộ Nội vụ đã đề xuất xây dựng Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; trong đó, đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 1/5/2016 từ mức 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng.
Theo ước tính, việc tăng lương lần này cần khoảng 11.000 tỷ đồng, vì vậy cần cơ cấu phần chi theo tinh thần triệt để tiết kiệm, cắt giảm tiền chi công tác, hội nghị, hội thảo...
Mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, áp lực cân đối ngân sách để tăng lương là rất lớn, nhưng tăng lương là rất cần thiết, bởi việc cải cách tiền lương đang bị chậm và cán bộ công nhân viên sống chủ yếu từ nguồn lương nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, lương cơ sở tăng 5%, không cao như kỳ vọng nhưng cũng có ý nghĩa lớn đối với người lao động, góp phần cải thiện cuộc sống của họ. Nếu đúng như lộ trình, chưa đầy một tháng nữa, các cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ được hưởng mức lương mới.
Nhiều người cho rằng, khi lương tăng, nhiều tiểu thương và doanh nghiệp lấy cớ để nâng giá hàng hóa lên cao, vì thế, mức tăng lương của cán bộ công nhân viên chỉ là bù vào tăng giá.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, khi lương tăng thì giá cả tăng, mà giá tăng khiến lạm phát tăng. “Tâm lý chung là lương tăng, người bán hàng sẽ té nước theo mưa, đẩy giá hàng hóa đi lên”, chuyên gia này nói.
Còn TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế lại có cái nhìn hơi khác. Ông cho rằng, về lý thuyết, lương tăng khiến lạm phát tăng lên một phần do sức mua tăng. “Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì lương tăng không tạo ra lạm phát bởi hàng hóa đang rất dồi dào, mức tăng 5% của lương là mức tăng quá thấp để người dân có thể tăng mua mạnh. Đó là chưa kể, trước khi tăng lương, giá nhiều hàng hóa đã tăng nhiều rồi, nên dù lương có tăng, thu nhập của đa số người dân vẫn chưa cao nên họ vẫn phải chắt bóp, căn cơ khi mua sắm”, chuyên gia này nói.
TS Nguyễn Minh Phong cho biết thêm, sức cầu hiện không cao mà nguồn cung hàng hóa dồi dào thì những người bán hàng cũng không dám tăng giá mạnh, vì giá tăng quá cao người dân sẽ không mua, họ sẽ mất khách. Ông cũng cho biết, mức tăng lương tác động đến lạm phát không bằng tăng các dịch vụ khác như y tế, điện, nước...
Cũng cần nói thêm, như nhiều lần tăng lương khác, lần này Nhà nước không in thêm tiền, vì thế, không tăng tiền của tổng nền kinh tế nên không gây sức ép nhiều đến mặt bằng giá.
Tuy nhiên, để giữ ổn định thị trường, ngăn chặn hiện tượng “té nước theo mưa”, theo các chuyên gia, cơ quan quản lý cần thực hiện các biện pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.