Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lượng sức để chọn điểm đến

Phạm Vũ| 30/09/2010 07:01

(HNM) - Một trong những giải pháp tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, giúp người dân xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững chính là xuất khẩu lao động.

Với người lao động ở huyện nghèo, để chọn một thị trường lao động phù hợp không đơn giản khi vốn và tay nghề của họ đều rất hạn chế. Để được thông tin rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Xin ông cho biết chương trình đưa lao động các huyện nghèo đi làm việc tại nước ngoài theo Quyết định 71 đến thời điểm hiện tại có khó khăn gì không?

- Theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg, Nhà nước sẽ đầu tư 4.715 tỷ đồng hỗ trợ người lao động tại 61 huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài. Đây là một trong những giải pháp của Chính phủ giúp bà con các vùng khó khăn nhanh thoát nghèo. Tuy nhiên, hiện có một khó khăn là dân số của 61 huyện nghèo khoảng 2,4 triệu người, trong đó hơn một nửa trong độ tuổi lao động, 90% là người dân tộc thiểu số; chỉ có khoảng 9% có trình độ phổ thông trung học, 60% lao động chưa học hết tiểu học và gần 10% lao động đã qua đào tạo; còn lại có trình độ học vấn thấp, không nghề, nên người lao động cũng rất khó khăn khi chọn công việc và thị trường phù hợp mặc dù chủ trương của Chính phủ là tạo điều kiện hỗ trợ từ A đến Z cho người lao động.

Lao động được hỗ trợ từ A đến Z, cụ thể là những gì, thưa ông?

- Người lao động sẽ được hỗ trợ bảo đảm đủ trình độ để đi xuất khẩu lao động theo yêu cầu của từng thị trường. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ 100% học phí học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, các đối tượng khác thuộc 61 huyện nghèo.

Trường hợp người lao động muốn vay vốn, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Ngân hàng sẽ thẩm định, cho vay tối đa theo mức chi phí tại thị trường mà người lao động sẽ tham gia. Người lao động thuộc các hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được vay với lãi suất chỉ bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động.

Những đối tượng lao động thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa từ bậc tiểu học trở lên đã được lựa chọn để đi xuất khẩu lao động cần phải bổ túc thêm về văn hóa sẽ được hỗ trợ nâng cao trình độ tối đa 12 tháng. Họ được hỗ trợ toàn bộ học phí, tài liệu, sách vở, tiền ăn và sinh hoạt phí trong thời gian học, tàu xe, trang bị ban đầu.

Thưa ông, nhiều lao động vẫn băn khoăn trong lúc chọn thị trường. Về điều này, lao động có được hỗ trợ gì không?

- Không có thị trường nào dành riêng cho lao động 61 huyện nghèo mà tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng của người lao động. Ngay cả các thị trường được đánh giá là cao cấp như Hàn Quốc, Nhật Bản, người lao động cũng có thể tiếp cận. Cục Quản lý lao động ngoài nước hỗ trợ lao động bằng cách lựa chọn những doanh nghiệp uy tín, có hợp đồng chắc chắn, đã được thẩm định, đơn hàng phù hợp với người lao động, đủ năng lực giải quyết khi người lao động gặp rủi ro.

Vậy làm thế nào để giúp lao động huyện nghèo tiếp cận các thị trường xuất khẩu lao động ổn định, thu nhập cao, thưa ông?

- Đây là cả một quá trình dài hơi được thực hiện từ nay đến năm 2020 và chia thành nhiều giai đoạn, vì thế mọi vấn đề sẽ được lần lượt giải quyết chứ chưa hẳn đã áp dụng ngay được.

Ông có lời khuyên nào dành cho lao động huyện nghèo muốn đi làm việc ở nước ngoài?

- Lao động huyện nghèo nên tập trung vào các thị trường "bình dân" (gồm Trung Đông, Đài Loan, Malaysia, Lybia). Theo đánh giá của chúng tôi thì hai thị trường là Malaysia và Lybia là phù hợp nhất khi điều kiện tiếp nhận lao động dễ dàng, chi phí lao động phải bỏ ra ban đầu thấp, doanh nghiệp không mất nhiều thời gian tìm kiếm hợp đồng. Đặc biệt, với nhiều hợp đồng tại thị trường Malaysia, lao động không phải chi bất cứ khoản chi phí nào trước lúc đi. Lao động sẽ thanh toán phí dịch vụ sau khi làm việc và có thu nhập tại doanh nghiệp tiếp nhận.

Với Lybia, là thị trường mới nhưng rất nhiều triển vọng. Chỉ tính riêng trong năm 2009 cả nước đã đưa được hơn 4.000 lao động đi Lybia. Đây là thị trường phù hợp cho các lao động huyện nghèo.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lượng sức để chọn điểm đến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.