(HNMO) - Biến đổi khí hậu làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu khiến lượng băng trên Trái đất đang tan nhanh hơn so với giữa những năm 1990. Ước tính, khoảng 28 nghìn tỷ tấn băng đã tan ở giai đoạn này.
Trong một nghiên cứu được công bố ngày 25-1 trên tạp chí khoa học The Cryosphere của Liên minh Khoa học địa chất châu Âu (EGU), các nhà khoa học cho biết, tốc độ băng tan hằng năm nhanh hơn khoảng 57% so với 3 thập kỷ trước.
Tình trạng băng tan nhanh tại Nam Cực, Greenland (hòn đảo lớn nhất thế giới, nằm giữa Bắc Cực và Đại Tây Dương) và các dòng sông băng suốt 3 thập kỷ vừa qua đã khiến mực nước biển trung bình toàn cầu tăng thêm 3,5 cm.
Tại Bắc Cực, băng biển (vùng nước biển bị đóng băng) cũng tiếp tục sụt giảm. Khi băng biển biến mất sẽ dẫn đến tình trạng các vùng nước hấp thụ bức xạ mặt trời, còn gọi là hiện tượng khuếch đại Bắc Cực, qua đó khiến nhiệt độ khu vực tăng cao. Nhiệt độ toàn cầu đã tăng khoảng 1,1 độ C kể từ thời tiền công nghiệp nhưng ở Bắc Cực, tốc độ ấm lên đã cao gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu trong 30 năm qua.
Dựa trên dữ liệu vệ tinh giai đoạn 1994-2017, các phương pháp đo và mô phỏng máy tính, giới khoa học Anh tính toán rằng thế giới đang mất trung bình 0,8 nghìn tỷ tấn băng mỗi năm trong những năm 1990. Tuy nhiên, con số này đã tăng thành khoảng 1,2 nghìn tỷ tấn mỗi năm trong những năm gần đây.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.