Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luôn hướng về Hoàng Sa (tiếp theo và hết)

Nguyễn Tùng - Chí Kiên| 22/07/2014 06:32

(HNM) - Căn phòng nhỏ, ấm áp của vợ chồng Thượng úy Lê Văn Thành và chị Trần Thị Tuyết nằm sâu trong ngõ nhỏ 3B, phố Nguyễn Trãi (quận Hà Đông).

 Căn phòng nhỏ, ấm áp của vợ chồng Thượng úy Lê Văn Thành và chị Trần Thị Tuyết nằm sâu trong ngõ nhỏ 3B, phố Nguyễn Trãi (quận Hà Đông).

Thật may mắn, đúng hôm chúng tôi đến thăm gia đình Thượng úy Lê Văn Thành vừa kết thúc chuyến đi thực địa ở vùng biển Hoàng Sa trở về. Thượng úy Thành nom rắn rỏi, cứng cáp. Nhớ lại những ngày làm nhiệm vụ trên tàu CSB 8001 ở Hoàng Sa, Thượng úy Thành luôn xúc động. "Vất vả nhất là khi nấu cơm vào những ngày biển động, tàu lắc lư, đứng cũng không yên. Anh em phải phân công nhau nấu cơm". Anh Thành cũng cho biết, ít nhất mỗi ngày một lần tàu CSB 8001 vào khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 để tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Đại diện Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới thăm, tặng quà vợ con Cảnh sát biển Phạm Văn Hiền.



Thượng úy Trần Thị Tuyết, cũng là CSB, hiện đang công tác tại Bộ Tư lệnh CSB Việt Nam. Chị Tuyết cho biết: "Hơn một tháng anh Thành đi công tác ngoài đảo, tôi phải gửi cháu Mai về quê với ông bà. Vì anh Thành thì vắng nhà, tôi phải trực, nhiều ngày đến đêm khuya mới trở về nhà". Năm 2009, Bộ Tư lệnh CSB chuyển trụ sở từ Hải Phòng lên Hà Nội, gia đình anh Thành đã "khăn gói" theo cơ quan lên Thủ đô. Từ chỗ có nhà ở ổn định, khi lên Hà Nội anh chị phải thuê căn phòng rộng chưa đầy 20m2 với giá 2,5 triệu đồng/tháng. Về nơi ở mới, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ đã phải đối mặt biết bao khó khăn, vất vả. Vì cả hai vợ chồng đều quê ở xa, ông bà nội ngoại không có điều kiện hỗ trợ, nên mỗi khi anh Thành đi công tác dài ngày ngoài biển, chị Tuyết phải một mình gánh vác mọi việc trong gia đình. Nhớ lại những ngày bé Lê Thanh Mai chập chững tập đi, tập nói, chị Tuyết nghẹn ngào: "Hồi mới cưới nhau, vợ chồng cũng xác định đã theo nghề lính biển là phải biết hy sinh. Vì thế, mỗi khi anh Thành đi thực thi nhiệm vụ, mẹ con cũng không tránh khỏi tủi thân, nhưng dẫu vậy tôi vẫn rất vững tin và tự hào về nhiệm vụ thiêng liêng của chồng mình và đồng đội".

Nói về con gái, giọng chị Tuyết chùng xuống, mắt ngấn lệ: "Những ngày đầu bố mới đi công tác ở Hoàng Sa, con gái khóc suốt, nhất là những lúc xem chương trình thời sự trên truyền hình có cảnh tàu của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm va. Bé lo lắng và mong bố sớm được về nhà". Nhớ bố quá, bé Mai đã viết cho bố Thành lá thư với những dòng tâm sự da diết về nỗi nhớ cha, tình yêu biển đảo quê hương. Những dòng chữ rất đẹp, viết nắn nót, ngay ngắn khiến người xem ngỡ như được đánh máy. Chị Tuyết đọc cho chúng tôi nghe một đoạn: "Bố ơi, dạo này bố có khỏe không? Mỗi bữa bố ăn được mấy bát cơm? Thế còn các bác, các chú trên tàu vẫn khỏe chứ ạ? Bố cứ an tâm công tác đi, mẹ và con ở nhà vẫn rất khỏe mạnh. Ở nhà con thường giúp mẹ những việc rửa bát, quét nhà, phơi quần áo. Những lúc mẹ vắng nhà, con thường mở những bài toán ra làm thêm...". Đặc biệt, dù còn nhỏ nhưng trong lá thư gửi bố, bé Mai đã thể hiện một tình yêu biển đảo theo cách riêng: "Bố biết không, con chỉ mong Hà Bá sẽ nuốt chửng cái giàn khoan... Và Hoàng Sa, Trường Sa sẽ mãi mãi là của Việt Nam ta... Con ước mơ sau này sẽ trở thành người lính biển, bố ạ!". Chị Tuyết chia sẻ thêm, hôm trước, khi đi làm về nói chuyện với con về giàn khoan Hải Dương - 981 đã di chuyển khỏi vùng biển Việt Nam, cô bé đã vui mừng nhảy cẫng lên và nói rất hồn nhiên: "Vậy là bố không phải đi biển nữa...".

Mong ước đó không phải chỉ riêng của cô bé Lê Thanh Mai.

Mong ước giản dị

"Giàn khoan không sang nữa" - Đó là mong ước của chị Đào Thị Hương (sinh năm 1989), vợ của Thượng úy Phạm Văn Hiền, trong lúc đang dỗ dành con gái Phạm Hải Hà chưa đầy tuổi. Từ ngày lấy Thượng úy Hiền, chị Hương vẫn ở cùng bố mẹ đẻ trong căn nhà thuê trọ ở thôn Cổ Điển B, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì. Bố mẹ chị là công nhân của Công ty cổ phần Công nghệ Sơn Vinano, đi làm cả ngày đến tối mới về. Chưa xin được việc làm nên cả ngày chị Hương ở nhà một mình trông con. Dịp tiễn chồng đi xa, chị chỉ biết là anh đi công tác ở ngoài biển mà không biết nhận nhiệm vụ gì và đi đâu. Bố của chị vì lo cho con gái chưa quen chịu đựng nên đã giấu nhẹm. Ông không cho bật tivi lúc phát chương trình thời sự mà chỉ nghe đài một mình. Mỗi khi thấy con gái ngó vào thì ông lại bịt cái loa lại. Nhưng rồi sau khoảng 10 ngày thì chị cũng biết là chồng đang đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa. Lo lắm nhưng chẳng biết làm gì hơn ngoài việc trông con.

Mỗi khi có dịp, Hiền lại điện thoại cho Hương và dặn dò: "Chăm con cho ngoan nhé! Đừng có lo lắng làm gì! Khi nào về, anh sẽ báo". Vợ chồng chị giống như cặp "Ngưu Lang - Chức Nữ", cả năm chỉ gặp nhau được vài lần. Chị Hương chỉ mong có một công việc ổn định với mức lương vài ba triệu mỗi tháng "miễn là được gần chồng". Trước chuyến công tác này, anh Hiền tính là sẽ chuyển vợ và con gái vào Đà Nẵng để cho gần nơi đóng quân nhưng vẫn chưa thực hiện được. "Em lo nhất là vào đó lại không xin được việc thì không biết trông mong vào đâu", chị Hương tâm sự, "ở ngoài này còn có bố mẹ em".

So với chị Hương thì hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Mùi (sinh năm 1987) có phần khó khăn hơn. Chị Mùi và Trung úy Vũ Quốc Hoàn, Trưởng ngành Quân y tàu CSB 8001, mới cưới nhau năm 2013. Hiện giờ chị đang mang bầu tháng thứ tám và ở một mình trong một phòng trọ tại ngõ 2, đường An Dương Vương, quận Tây Hồ. Chị Mùi đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, mỗi tháng chị phải trả tiền thuê nhà 2 triệu đồng. Số tiền còn lại cũng đủ trang trải cuộc sống ở đất Hà Nội. Nhưng cái khổ của chị là phải xa chồng, xa bố mẹ hai bên. "Đến giờ, em cũng chưa biết là sẽ sinh con ở quê (Ninh Bình) hay ở Hà Nội", chị Mùi cho biết.

Nói về chuyện của chồng, chị Mùi kể: "Mới đầu em không biết đi đâu bởi vì anh ấy bảo là cứ khi nào tắt máy thì là đi làm nhiệm vụ, làm xong sẽ về". Mãi sau này khi Hoàn dùng điện thoại vệ tinh về hỏi thăm vợ thì Mùi mới biết chắc là chồng mình đang ở đâu. Suốt hai tháng trời vừa qua, cứ tối đến là Mùi lại vác bụng bầu đi bộ ra quán nước đầu ngõ để xem thời sự. Ở phòng trọ không có tivi, không có cả internet nên trời mưa cũng như nắng, cứ 7h tối là Mùi có mặt ở quán nước. Giờ thì Mùi đã thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Lúc chia tay, cũng giống như chị Hương, Mùi bảo "mong Trung Quốc không mang giàn khoan sang Việt Nam nữa".

Với những người lính, không có ý chí nào cao hơn quyết tâm giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đại tá Lưu Tiến Thắng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh CSB, một trong những cán bộ, chiến sĩ CSB nhận lệnh ra vùng biển Hoàng Sa ngay ngày đầu tiên khẳng định: "Mặc dù tàu của họ lớn hơn ta nhưng chủ quyền lãnh thổ là trên hết. Các cán bộ, chiến sĩ thực thi pháp luật của ta đã rất dũng cảm, kiên cường và mưu trí. Anh em luôn tự nhủ phải xứng đáng với tâm tư, tình cảm và niềm tin nhân dân cả nước hướng về Hoàng Sa".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Luôn hướng về Hoàng Sa (tiếp theo và hết)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.