Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luôn hướng về Hoàng Sa

Nguyễn Tùng - Chí Kiên| 21/07/2014 05:59

(HNM) - Lặn lội trong mưa gió mấy ngày qua, Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới tìm đến từng nhà của các chiến sĩ Cảnh sát biển để thăm hỏi, động viên và qua đó gửi tấm lòng của người dân Thủ đô đến các gia đình.


Những đêm mất ngủ


Bà Tạ Thị Thanh Thảo, 72 tuổi, lưng đã còng, vui vẻ hơn hẳn khi thấy Quỹ Trái tim nhân ái đến thăm hỏi gia đình. Con trai bà, Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban Trinh sát chống buôn lậu Bộ Tư lệnh CSB, vừa mới từ Hoàng Sa trở về nhà nên cả nhà từ bà Thảo đến hai đứa cháu nhộn nhịp hẳn lên. Hôm nghe tin giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) dịch chuyển ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, bà Thảo nhẹ hẳn người. Kể từ khi con trai duy nhất của bà nhận nhiệm vụ ra Hoàng Sa, ngày nào bà cũng theo dõi thời sự cả ở trên tivi và đài phát thanh. Suốt hơn 2 tháng trời bà Thảo lo lắng cả ngày lẫn đêm. Có những đêm mất ngủ, bà phải nén tiếng thở dài để cho các cháu ngủ yên. Cả gia đình bà đang ở nhờ nhà của người em gái ở số 301 nhà L7, Thái Hà bởi vì chưa có nhà ở Hà Nội. Có bao nhiêu người con đi làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa thì có bấy nhiêu người mẹ, người cha mong nhớ và lo lắng cho con mình. Mối lo của bà Thảo cũng là mối lo của bao người mẹ khác.

Đại diện Quỹ Trái tim nhân ái (Báo Hànộimới) tặng quà gia đình Đại úy Triệu Vĩnh Hà.


Thật tình cờ, đúng hôm Quỹ Trái tim nhân ái tìm đến chia sẻ, động viên gia đình ông Triệu Hồng Chiến lại chính là ngày sinh của Đại úy Triệu Vĩnh Hà đang làm nhiệm vụ trên tàu CSB 4033. Bà Phạm Thị Cúc, mẹ Đại úy Hà rơm rớm nước mắt nói: "Đêm qua tôi chẳng ngủ được, đến hơn 1h sáng tôi điện thoại chúc mừng sinh nhật cháu". Có điều lần mất ngủ này không giống như những lần mất ngủ trong 2 tháng qua...

Từ hôm giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc di chuyển, bà Cúc nhẹ hẳn lòng. Nhưng bà cũng biết là anh Hà vẫn chưa được về nhà, vẫn phải trực để sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Ngày Đại úy Hà lên đường làm nhiệm vụ trợ lý phiên dịch trên tàu CSB 4033, anh rắn rỏi động viên mẹ: "Tuổi trẻ phải biết nhận những nhiệm vụ khó khăn mới trưởng thành mẹ ạ". Nghe vậy bà Cúc rất tự hào và cảm thấy vững tin ở người con trai.

Bố của Hà, ông Triệu Hồng Chiến cũng từng có nhiều năm phục vụ trong quân đội trước khi về nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Là một người lính, từng kinh qua trận mạc, ông Chiến là người hiểu rõ hơn ai hết những mất mát của chiến tranh và giá trị của cuộc sống hòa bình. Ông Chiến cho hay, từ khi biết tin Hà đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương, những người hàng xóm, các đoàn thể, ban, ngành địa phương thường xuyên hỏi thăm động viên gia đình. Tất cả như xích lại gần nhau hơn để cùng hướng về biển đảo quê hương, mong sao những cán bộ, chiến sĩ CSB hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó. Chia sẻ thêm về người con của mình, bà Cúc nói chắc nịch: "Lần này về, gia đình sẽ giục nó lấy vợ!".

Mong con hoàn thành tốt nhiệm vụ

Mong mỏi trên của bà Cúc cũng là mong mỏi của những bà mẹ các chiến sĩ CSB trẻ tuổi đang làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa. Xuôi huyện Thanh Oai, chúng tôi đến xóm nhỏ Chung Chính, xã Phương Trung. Hỏi thăm nhà bà Lê Thị Bảy, mẹ của Trung úy Đào Văn Hùng, làm nhiệm vụ trên tàu CSB 8001 ở Hoàng Sa ai cũng biết. Vào bên trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, chúng tôi thấy treo trang trọng nhiều giấy khen, bằng khen của Bộ Quốc phòng và đơn vị công tác tặng Trung úy Hùng. Bà Bảy kể, Hùng học giỏi từ nhỏ, tốt nghiệp THPT, Hùng thi và đỗ vào Học viện Chính trị quân sự. Từ khi học trong nhà trường cho đến khi ra công tác, nơi đâu Hùng cũng được cấp trên và đơn vị khen thưởng. Hôm tiễn Hùng đi công tác ngoài Hoàng Sa, bà động viên: "Cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ con nhé".

Gia cảnh Trung úy Đào Văn Hùng cũng rất khó khăn, mẹ già bị bệnh thấp khớp hành hạ quanh năm suốt tháng. Bố của Hùng là ông Đào Văn Quyết dù tuổi đã cao những vẫn phải lặn lội lên thành phố làm thêm để trang trải cuộc sống. Ông Quyết và bà Bảy đều mong Hùng sớm xây dựng gia đình để ổn định cuộc sống để ông bà có cháu bồng, cháu bế. "Thế nhưng thằng Hùng có nhiều dự định lắm, cứ thúc giục nó lấy vợ nhưng chưa biết khi nào nó gật đầu...", bà Bảy bộc bạch.

Loay hoay hỏi đường mấy vòng, chúng tôi mới tìm đến được nhà Trung úy Trần Trường Giang ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, nơi bố mẹ Trung úy Giang đang thuê tạm một phòng trọ ở đây. Căn phòng tuềnh toàng đến mức khó hình dung nổi đủ chỗ cho 4 người mỗi khi Trung úy Giang về phép. Theo bố từ Bắc Giang xuống Hà Nội từ nhỏ, sau 7 năm đèn sách Giang đã đỗ đại học, không phụ sự chăm lo của người bố. Khi biết Giang mới từ Hoàng Sa về bờ, mẹ của Giang đã thu vén cùng bạn bè, hàng xóm, tổ dân phố gom tiền mua cả tạ vải Chũ, nem Phùng, chè khô, nem chua… rồi đi tàu hỏa bằng vé ngồi cứng để vào Đà Nẵng gặp con. Vất vả, mệt mỏi nhưng trong lòng vẫn vui vẻ, nhẹ nhõm vì biết con cùng đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ và về bờ an toàn. Bố mẹ Giang cho hay đã đăng ký mua một căn chung cư thu nhập thấp ở ngay cạnh. "Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng phải nghĩ đến cuộc sống tương lai của con chứ". Mẹ Giang hồ hởi "khoe" đợt tới Giang mà được về thăm nhà thì sẽ về ở trong căn chung cư mới. "Có nơi ăn chốn ở ổn định, em nó mới nghĩ đến việc lập gia đình", bà nói như hiểu được suy nghĩ của con trai.

Mong mỏi con trai về để lập gia đình không chỉ là nỗi niềm của các bà mẹ mà còn là của cả những ông bố của các chiến sĩ CSB. Ông Nguyễn Trọng Thân, bố của Trung úy Nguyễn Trọng Lượng, khẳng định sẽ cưới vợ cho con trai cả của ông ngay khi "nó hoàn thành nhiệm vụ trở về và đồng ý lập gia đình". Hai tháng vừa qua, khi Lượng đang làm nhiệm vụ ngoài Hoàng Sa, cả gia đình ông lo lắng lắm. Nhưng xem tivi nhìn thấy con cùng đồng đội đứng chào cờ trên tàu CSB 8003, ông Thân cùng vợ rất xúc động, tự hào.

Vượt qua những khó khăn của cuộc sống thường nhật, những người mẹ, người cha của những chiến sĩ CSB luôn hướng về những người con đang bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Hoàng Sa. Họ và những người dân Việt Nam luôn cố gắng trở thành một hậu phương vững chắc, một chốn về bình an để các anh an tâm hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó.

(Còn nữa) 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Luôn hướng về Hoàng Sa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.