(HNM) - Tối 21-6, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội), Hội Nhà báo Việt Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ IX-2014.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh trao giải A cho các tác giả đoạt giải. Ảnh: Viết Thành |
Phát biểu chúc mừng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thay mặt Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới những người làm báo cả nước. Nhắc lại sự kiện cách đây 90 năm, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Báo Thanh Niên - dấu mốc quan trọng của cách mạng nước ta, Chủ tịch nước khẳng định, suốt 90 năm qua báo chí cách mạng luôn đồng hành cùng dân tộc, lớn lên cùng cách mạng, phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân. Người làm báo thực sự là chiến sĩ với cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén, góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ghi nhận và đánh giá cao vai trò và những đóng góp to lớn của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước trong 90 năm qua.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu, trong bối cảnh ngày nay, trước những nhiệm vụ và yêu cầu mới, báo chí cần phát huy truyền thống vẻ vang, làm tròn trách nhiệm là lực lượng tiên phong, xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Báo chí phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước, tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phê phán, đấu tranh với cái xấu, cái ác, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực trong mọi lĩnh vực; tăng cường, nâng cao chất lượng tuyên truyền, thông tin đối ngoại…
Báo chí cần phản ánh trung thực tình hình đất nước, tâm tư tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, là tiếng nói của nhân dân, cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước; cổ vũ nhân dân tham gia vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), góp phần xây dựng văn kiện của Đảng, cũng như phát hiện những cán bộ, đảng viên có biểu hiện đánh mất bản lĩnh chính trị như trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương lần thứ 11 vừa qua, góp phần vào thành công chung của đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XII của Đảng. Chủ tịch nước cũng lưu ý báo chí cần tích cực phản bác những thông tin và luận điệu sai trái của các thế lực xấu và thù địch.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và các cơ quan có liên quan cần nghiên cứu, tham mưu cho Đảng và Nhà nước để có chủ trương, cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển, phát huy vai trò và có những đóng góp tích cực hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Chủ tịch nước nhấn mạnh, đội ngũ những người làm báo cần không ngừng rèn luyện, phấn đấu nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; vững vàng vượt qua mọi khó khăn, mọi sự cám dỗ, có đủ dũng khí, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết; bám sát thực tiễn để có nhiều tác phẩm báo chí có giá trị, hay, thuyết phục, cuốn hút công chúng, xứng đáng là những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng như Bác Hồ đã căn dặn. Chúc mừng các tác giả đoạt Giải Báo chí quốc gia lần thứ IX-2014, Chủ tịch nước nhận định, những tác phẩm báo chí xuất sắc này chính là sự đóng góp thiết thực của các nhà báo vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ IX-2014 đã diễn ra trang trọng, tôn vinh 118 tác giả, nhóm tác giả của 118 tác phẩm thuộc các thể loại, loại hình báo chí đã được trao 9 giải A, 26 giải B, 54 giải C và 29 giải khuyến khích. Đây là mùa giải có số giải A nhiều nhất từ trước đến nay, gồm các tác phẩm: "Việt Nam khẳng định chủ quyền bằng những chứng cứ pháp lý thuyết phục" của Báo Quân đội nhân dân; "Suy ngẫm từ tọa độ nóng" của Báo Năng lượng mới; "Giải cứu thành công 12 công nhân bị nạn ở hầm thủy điện Đạ Dâng, Lâm Đồng" của Thông tấn xã Việt Nam; "Di chúc Hồ Chí Minh - Di chúc về con người, vì con người" của Đài Tiếng nói Việt Nam; "Tuyên truyền chính trị, pháp luật cho công nhân, phải chạy nước rút" của Hội Nhà báo Đồng Nai; "Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng - Nhìn từ tinh giản bộ máy biên chế ở tỉnh Quảng Ninh" của Liên Chi hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh; "Ký ức lịch sử về 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ" của Kênh Truyền hình Đối ngoại VTV4 - Đài Truyền hình Việt Nam; "Từ trái tim đến trái tim" của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh; "Câu chuyện Sam Lang: Chui vào túi ni lông để... qua suối" của Báo Tuổi trẻ Online.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.