(HNM) - Ngày 28-3, Báo Hànộimới đã có bài viết “Mỏ vàng và ác mộng” phản ánh về thực trạng nuôi yến tự phát tại TP Hồ Chí Minh...
Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến các địa phương, đơn vị liên quan để quản lý nghề nuôi chim yến trong thời gian tới.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), nghề nuôi chim yến với mục đích thương mại xuất hiện lẻ tẻ từ năm 2004 ở một số tỉnh, thành Nam Bộ. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề này phát triển khá mạnh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật mà từ việc nuôi chim yến tự nhiên giờ đã ấp nở nhân tạo được trứng chim yến, có kỹ thuật nuôi chim yến nhân tạo, dẫn dụ, di dời đàn yến, xây dựng nhà.
Theo báo cáo sơ bộ, hiện cả nước có 32/63 tỉnh, thành có nuôi chim yến với tổng số 4.283 nhà yến. Nhiều nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp đến là Đông Nam Bộ và duyên hải miền Trung. Còn theo Hiệp hội Yến sào Việt Nam, TP Hồ Chí Minh là trung tâm nuôi chim yến lớn nhất cả nước, kế tiếp là Kiên Giang, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận... Vốn đầu tư xã hội cho nghề này hơn 7.500 tỷ đồng, tạo ra sản phẩm hàng hóa tương đương 800 tỷ đồng/năm.
Theo cơ quan chức năng, nghề nuôi yến trong nhà ở Việt Nam phát triển nhanh nhưng lại đang thiếu các quy định và hướng dẫn đã tạo ra nhiều kẽ hở trong công tác quản lý và là vấn đề nan giải cho các địa phương có kế hoạch phát triển nghề nuôi yến trong nhà. Điều đó dẫn tới, có hơn 90% cơ sở nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư. Nhiều địa phương, nhà nuôi chim yến được cơi nới từ nhà ở của người dân.
Tại TP Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2017 có 513 nhà yến được gây nuôi tại 19 quận, huyện và hầu hết đều tự phát, không đăng ký với chính quyền địa phương. Theo định hướng quy hoạch vùng nuôi chim yến đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh đề xuất chỉ phát triển nhà yến mới tại địa bàn 3 quận, huyện có tiềm năng.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho rằng, cần xác định loài chim yến là vật nuôi hay động vật hoang dã cũng như vùng nào được nuôi, vùng nào không được nuôi. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc quản lý nhà nước về nuôi chim yến trong thời gian tới.
Trong khi đó, ông Trần Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre) cho biết, từ cuối năm 2016 đến nay tỉnh gặp không ít khó khăn trong khâu quản lý, hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết các vụ việc có liên quan. Địa phương này cũng chưa xác định cụ thể cơ quan, cấp có thẩm quyền theo dõi, quản lý.
Tại hội nghị quản lý và phát triển nuôi chim yến vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thừa nhận, cơ quan quản lý nhà nước chưa theo kịp sự phát triển ngành nuôi chim yến. Trong khi đó, nghề nuôi yến trong nhà tại Việt Nam hoàn toàn có khả năng xuất khẩu, bổ sung vào giá trị của sản phẩm nông nghiệp nước nhà.
Vì vậy, ông Tám yêu cầu Cục Chăn nuôi và Hiệp hội Yến sào Việt Nam cần phải rà soát, xây dựng hoàn thiện các thể chế chính sách nhà nước nhằm quản lý tốt hơn về số lượng, môi trường, dịch bệnh…
Liên quan đến công tác quy hoạch ngành nghề nuôi yến trong nhà vốn làm “đau đầu” các tỉnh, thành, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, theo Luật Quy hoạch 2017 không có quy hoạch ngành và quy hoạch sản phẩm. Tuy vậy, có thể chuyển tư duy quy hoạch ngành và sản phẩm thành các đề án và chương trình để phát triển các sản phẩm. Các địa phương có thể đưa quy hoạch nuôi yến trong nhà vào quy hoạch phát triển kinh tế tổng thể của địa phương đó.
Theo đại diện Bộ NN&PTNT, tháng 5-2018 Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án Luật Chăn nuôi, dự kiến sẽ được Quốc hội biểu quyết tại kỳ họp vào tháng 10-2018. Nếu được Quốc hội thông qua, đây sẽ là cơ sở quan trọng để tạo hành lang pháp lý quản lý nghề nuôi yến trong nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.