(HNM) - Là một trong những chương trình hành động bao quát và xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội, Chương trình 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" hướng đến mục tiêu để Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm văn hóa lớn.
Theo đó, hai quy tắc ứng xử được ra đời và dần phát huy hiệu quả trong cuộc sống; các thiết chế văn hóa được đầu tư đồng bộ từ thành phố tới cơ sở. Việc xây dựng đời sống văn hóa không chỉ riêng lẻ ở khu dân cư hay môi trường công sở, mà mang tính bao trùm, góp phần xây dựng môi trường văn hóa bền vững, toàn diện trong đời sống xã hội. Cũng từ đây, hàng loạt mô hình, phong trào, dự án... gắn với xây dựng văn hóa người Hà Nội được khởi động, như: Phong trào “Lời nói hay, việc làm tốt, phong cách đẹp” của quận Hoàn Kiếm; mô hình “Tổ dân phố không rác”, Tổ dân phố “5 không” của quận Thanh Xuân…
Chú trọng chăm lo xây dựng con người, thành phố đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Những người có công, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn… được thành phố quan tâm. Người bệnh được đặt vào vị trí trung tâm để phục vụ. Nhiều vấn đề “nóng” của giáo dục cũng dần được cải thiện và Giáo dục Thủ đô luôn giữ vững vị thế lá cờ đầu cả nước…
Văn hóa và con người có mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời. Phát triển văn hóa là vì con người và con người cũng là chủ thể để tác động tích cực lên văn hóa. Do đó, thực hiện hiệu quả Chương trình số 04-CTr/TU là tiếp tục mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Và đó cũng là tiền đề quan trọng để xây dựng một Thủ đô phát triển toàn diện.
Để làm được điều ấy, các cấp, các ngành phải khắc phục những khó khăn, hạn chế để hoàn thành các chỉ tiêu mà chương trình đề ra. Đồng thời, phải rà soát để phát huy giá trị của những chỉ tiêu đã hoàn thành, những chỉ tiêu chưa hoàn thành cũng phải được làm rõ nguyên nhân để có phương hướng khắc phục.
Đặc biệt, các cấp, ngành cần dành nguồn lực nhất định trong triển khai Chương trình số 04-CTr/TU. Chỉ bằng nguồn vốn ngân sách thôi chưa đủ, mà mỗi địa phương phải linh hoạt huy động nguồn vốn xã hội hóa. Đây không đơn thuần là chung tay lo về nguồn kinh phí, mà còn là cách để tạo sự gắn kết, đồng thuận trong thực hiện chương trình này trong toàn dân.
Để đồng bộ hóa, việc bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng phải thực hiện đồng thời. Trong đó, phải chú trọng để tạo cơ chế xây dựng, phát triển văn hóa - con người Hà Nội với tầm nhìn xa hơn ở vị thế của Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo của UNESCO… Và để tận dụng tốt tiềm năng này, phải quản lý tốt thị trường văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của “thời đại số”.
Xây dựng văn hóa - xã hội, con người thanh lịch, văn minh... là nhiệm vụ không của riêng ai. Do vậy, công tác tuyên truyền về chương trình này cần được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của người dân. Chỉ khi mỗi người dân hiểu, đồng thuận trong triển khai thì việc thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU mới được toàn diện; từ đó, sẽ tạo lực đẩy thực chất cho Thủ đô tiếp tục vươn xa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.