(HNM) - Trong những ngày qua, trên địa bàn quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) đã xảy ra việc đình công ở Công ty PouYuen, công nhân công ty ngừng việc vì không đồng tình các quy định tại Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 về việc không cho người tham gia BHXH được hưởng trợ cấp BHXH một lần.
Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các thành viên Chính phủ cho ý kiến và nhận định rằng, kiến nghị của công nhân là có cơ sở. Chính phủ sẽ đề xuất ý kiến này với Quốc hội để điều chỉnh phù hợp để người lao động được lựa chọn, trợ cấp một lần khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tích lũy vào sổ lao động. Điều này cho thấy Luật BHXH mặc dù vừa mới ban hành nhưng chưa phù hợp với thực tế.
Trong thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật ở nước ta cũng có không ít văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực, nhưng lại không áp dụng chế tài được các hành vi vi phạm; một số văn bản luật có nội dung rất tiến bộ, nhân văn nhưng lại xa rời thực tế. Chẳng hạn, một số quy định pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và phụ nữ, thể hiện rất rõ tính nhân văn nhưng cũng bị vô hiệu vì không có lực lượng nào chuyên trách để giám sát, xử phạt hành vi vi phạm. Một số quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... cũng gặp tình trạng như vậy. Do thiếu tính ổn định, chặt chẽ và thiếu tiên liệu nên có nhiều luật vừa mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc phó thác việc hướng dẫn thực thi các điều luật cho các văn bản dưới luật của các bộ, ngành quản lý nhà nước.
Thực tế nêu trên có nguyên nhân trước hết là do việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có khi nặng về lý thuyết và thiếu tính thực tiễn. Việc lấy ý kiến đóng góp của người dân làm sơ sài, thiếu toàn diện. Trong khi đó, đa số đại biểu Quốc hội không chuyên trách nên chất lượng làm luật cũng có những hạn chế nhất định. Những văn bản pháp luật bất hợp lý, thiếu tính khả thi một phần xuất phát từ thực trạng cơ quan hành chính đang làm thay công việc của cơ quan lập pháp. Ở nước ta, việc soạn thảo các dự án luật đều do các bộ ngành, địa phương, các cơ quan hành pháp của Chính phủ đảm nhận. Bộ, ngành nào muốn ra văn bản thì ra mà không thực hiện đầy đủ quy định về khảo sát, lấy ý kiến đối với các dự thảo văn bản theo luật. Trong khi đó, đối tượng chịu sự tác động trước tiên của các văn bản pháp luật là người dân, cơ quan tổ chức trong xã hội chứ không phải một bộ phận nào đó...
Sự bất cập trong quá trình xây dựng, phân tích chính sách và soạn thảo văn bản pháp luật có thể coi là một trong những hạn chế lớn nhất của quy trình lập pháp hiện nay. Nhiều dự án do vậy đã phải soạn thảo lại, sửa đổi nhiều lần, gây lãng phí lớn về thời gian, công sức và tiền bạc. Nhưng thực chất ở đây đã có sự lãng phí kép bởi vì không chỉ lãng phí trong khâu xây dựng văn bản pháp luật tương ứng mà còn ở cả công đoạn thực hiện, áp dụng luật vào cuộc sống. Quy trình "soạn thảo, xin ý kiến" của quá trình xây dựng chương trình lập pháp theo nhiệm kỳ và hằng năm... là những nguyên nhân làm cho chất lượng của các dự án luật không cao, đặc biệt là về tính khả thi và tính hợp lý của các đạo luật...
Rõ ràng, thiệt hại về việc ban hành văn bản pháp luật thiếu tính khả thi, không áp dụng được vào thực tế là không nhỏ. Việc ban hành những văn bản này không chỉ gây lãng phí về nguồn lực, kinh phí ngân sách, hậu quả khôn lường, ảnh hưởng lâu dài đến đời sống tinh thần của xã hội, mà nguy hại hơn là sự mất niềm tin của người dân vào hiệu quả quản lý, điều hành, gián tiếp tiếp tay cho tâm lý "nhờn luật". Nhưng lâu nay sự lãng phí, thiệt hại này vẫn không có cơ quan và cá nhân soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản nào phải chịu trách nhiệm?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.