Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ: Tạo động lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo

Trần Nhân| 24/06/2022 07:28

(HNM) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua ngày 16-6-2022, có hiệu lực từ ngày 1-1-2023, được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, khuyến khích các tổ chức chủ trì đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ với các kết quả nghiên cứu được Nhà nước đầu tư, gia tăng hoạt động chuyển giao công nghệ... Từ đó sẽ mang lại nhiều giá trị kinh tế, lợi ích cho xã hội.

Các đại biểu tham quan một gian trưng bày các sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2022.

Sửa đổi, bổ sung 102 điều

Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành từ năm 2005, sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009 và 2019 đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt - quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, Luật Sở hữu trí tuệ còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định.

Để hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi hiệu quả; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi lần này có phạm vi khá rộng, với 102 điều được sửa đổi, bổ sung; đồng thời cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Việc sửa đổi, bổ sung cũng được đánh giá là bảo đảm chất lượng, thể chế hóa đầy đủ chủ trương mới của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Theo Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Văn Bảy, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm lớn của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là quy định về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Quy định hiện hành liên quan đến vấn đề này được đánh giá là còn nhiều vướng mắc, thực tiễn phản ánh nhiều kết quả nghiên cứu do Nhà nước tài trợ không được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, không thể đưa vào khai thác thương mại hóa, dẫn đến hiện trạng đầu tư của Nhà nước trở nên kém hiệu quả. Nội dung này được sửa đổi theo hướng quy định rõ ràng và chi tiết hơn, với việc trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì trực tiếp tại luật, qua đó khuyến khích biến các kết quả nghiên cứu thành các tài sản được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo tiền đề để khai thác thương mại đối với các tài sản này hiệu quả hơn.

7 nhóm chính sách lớn

Nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được thể hiện qua 7 nhóm chính sách lớn, với một số quy định cụ thể như sau: Một là, bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan. Hai là, khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước, thông qua quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, quy định cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tác giả và tổ chức chủ trì; đồng thời quy định bảo lưu quyền của Nhà nước trong một số trường hợp cũng như nghĩa vụ của tổ chức chủ trì. Ba là, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Bốn là, bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Năm là, tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ. Sáu là, nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, theo đó, các quy định liên quan đến bảo vệ quyền được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được hiệu quả, hợp lý và khả thi hơn. Bảy là, bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, để các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ sớm đi vào cuộc sống, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tuyên truyền, phổ biến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đồng thời thực hiện các thủ tục để xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật theo kế hoạch.

“Chúng tôi kỳ vọng rằng, Luật Sở hữu trí tuệ sau khi được sửa đổi, bổ sung sẽ mang lại những thay đổi tích cực, góp phần tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy các tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, qua đó thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư cho hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp nói riêng và cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ: Tạo động lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.