Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Đình Hiệp| 16/06/2022 09:42

(HNMO) - Sáng 16-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Một số trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép

Trước khi biểu quyết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ gồm 102 điều và ngày 31-5 vừa qua Quốc hội đã thảo luận. Về cơ bản, các ý kiến phát biểu tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và nhiều nội dung của dự thảo Luật; đồng thời đóng góp ý kiến về một số điều, khoản cụ thể.

Về hai vấn đề lớn Chính phủ xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì; cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả như đã thể hiện trong dự thảo Luật.

Đồng thời, đa số ý kiến đại biểu tán thành không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Chính phủ đã có văn bản thống nhất nội dung tiếp thu, chỉnh lý về các vấn đề này.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả; các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật; giới hạn quyền tác giả, có ý kiến đề nghị bỏ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 25 vì gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền tác giả; hiện nay chưa có quy định về thiết bị sao chép công cộng nên rất khó kiểm soát được việc sao chép.

Đối với vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy một số nội dung tại điểm a khoản 1 Điều 25 của dự thảo Luật là quy định hiện hành và phù hợp với thực tiễn thực thi quyền tác giả, quyền liên quan hiện nay.

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý điểm a khoản 1 Điều 25 theo hướng quy định về ngoại lệ tại điểm a “không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép”.

Điều 25 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

Cụ thể là: Tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại (quy định này không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép); sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại; sử dụng hợp lý tác phẩm để minh họa trong bài giảng, ấn phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm mục đích giảng dạy.

Việc sử dụng này có thể bao gồm việc cung cấp trong mạng máy tính nội bộ với điều kiện phải có các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm chỉ người học và người dạy trong buổi học đó có thể tiếp cận các tác phẩm này…

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm là hành vi bị cấm

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 7 chương, 157 điều. Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Trên cơ sở 21 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, 1 đại biểu tham gia tranh luận và 2 ý kiến bằng văn bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Có ý kiến cho rằng quy định bảo hiểm vi mô là bảo hiểm hướng tới các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro về tính mạng, sức khỏe, tài sản (khoản 22 Điều 4).

Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định bảo hiểm vi mô như một loại hình bảo hiểm. Do đó, để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng đối với loại hình bảo hiểm vi mô, đề nghị xem xét, bổ sung loại hình bảo hiểm vi mô vào khoản 1 Điều 7 và được xem là một trong các loại hình của bảo hiểm.

Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, bảo hiểm vi mô không phải là một sản phẩm bảo hiểm cụ thể mà là các sản phẩm bảo hiểm hướng tới đối tượng khách hàng là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, khó tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường. Các sản phẩm bảo hiểm vi mô có thể thuộc một trong ba loại hình (bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe) hoặc kết hợp các quyền lợi của cả ba loại hình bảo hiểm này. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ như dự thảo Luật.

Có ý kiến cho rằng, khoản 5 Điều 9 có quy định về hành vi đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh hành vi nêu trên còn có hành vi dụ dỗ, lôi kéo giao kết hợp đồng bảo hiểm của các nhân viên đại lý bảo hiểm gây nhiều hệ lụy cho người tham gia bảo hiểm, do đó đề nghị bổ sung hành vi này vào dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi làm phiền, quấy nhiễu khách hàng dưới mọi hình thức.

Đối với vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hành vi “ép buộc” thể hiện rõ mức độ can thiệp của đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm nhằm ký kết hợp đồng bảo hiểm, hành vi này cũng tương ứng với các hành vi có chế tài xử lý được quy định tại các luật khác. Hành vi “dụ dỗ”, “lôi kéo”, “làm phiền”, “quấy nhiễu”… mang tính định tính, khó xác định, nếu quy định vào dự thảo Luật sẽ không bảo đảm tính khả thi khi xác định hành vi để xử lý vi phạm. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ như dự thảo Luật.

Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam gồm 3 điều và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2022, được thực hiện trong 5 năm.

Nghị quyết này quy định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thuộc Bộ Công an, trong đó trại giam được áp dụng thí điểm hợp tác với tổ chức trong nước để tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Trong đó, phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động và thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.