(HNM) - Đã có 389/528 vụ việc khiếu nại tố cáo tồn đọng được rà soát; 139 vụ, việc cấp bách sẽ ưu tiên giải quyết trong thời gian tới. Đó là kết quả sau 3 tháng thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài tại các địa phương trên cả nước.
Với tiến độ hiện nay, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh dự kiến, đến ngày 31-10 sẽ hoàn thành việc rà soát, kiểm tra và đưa ra phương án xử lý 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài. Đồng thời, phấn đấu đến cuối tháng 12 tới giải quyết dứt điểm các nội dung đã thống nhất giữa các bộ, ngành trung ương (TƯ) với địa phương, công bố tiến độ và biện pháp công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành. Có thể nói đây là một cuộc ra quân đồng bộ, quyết liệt nhất từ trước đến nay nhằm giải quyết đơn thư phức tạp. Theo thống kê, Hà Nội là thành phố lớn, có nhiều dự án đang triển khai, nhưng tính đến trung tuần tháng 9 này cũng chỉ còn 26 vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài. Cùng với đó là 3 vụ theo báo cáo của Bộ Công an thuộc địa bàn TP Hà Nội và một vụ việc phát sinh khác. Các tỉnh Thái Nguyên, Hải Phòng, Hưng Yên, lượng đơn thư phức tạp cũng giảm đáng kể.
Thế nhưng, bên cạnh những địa phương tích cực triển khai Chỉ thị 14, còn không ít nơi ngại va chạm có tâm lý muốn đoàn công tác của Chính phủ tới làm hộ. Trong khi đó, việc thanh tra căn cứ vào thẩm quyền giải quyết, sự đùn đẩy trách nhiệm của cơ quan chức năng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các đoàn đông người kiện vượt cấp lên TƯ, gây tốn kém thời gian, tiền bạc, từ đó nảy sinh những bức xúc, hậu quả không đáng có.
Kết quả kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài tại 20 tỉnh, thành phố phía Nam do Cục III, Thanh tra Chính phủ thực hiện, công bố ngày 28-9 cho thấy, đang tồn tại 32 vụ việc đã giải quyết đúng pháp luật nhưng công dân còn có những khó khăn nhất định, cần được hỗ trợ để ổn định cuộc sống. Ngoài ra, 49 vụ việc còn sai sót trong quá trình xem xét trước đây và 32 vấn đề đã có ý kiến chỉ đạo từ TƯ nhưng còn có những nội dung chưa thấu tình, đạt lý dẫn đến công dân khiếu nại hoặc địa phương còn gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện. Do đó, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu giải quyết lại quyền lợi cho công dân với tổng số tiền 181,5 tỷ đồng, 86.000m2 đất sản xuất và 1.753m2 đất ở, hỗ trợ cấp và bán 8 nền nhà tái định cư. Còn tại tỉnh An Giang, có hàng chục vụ việc công dân thường xuyên đi khiếu nại, tố cáo ở TƯ. Trong đó có nhiều đơn thư giữa các ngành chức năng không nhất quán khi xem xét, nên khó xử lý dứt điểm…
Lý giải cho hiện tượng trên, không ít địa phương cho rằng cần nhanh chóng sửa đổi Luật Đất đai, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân. Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế, của xã hội chính là giá đất đền bù chưa sát giá thị trường. Do đó, pháp luật về đất đai nhất thiết phải thay đổi. Còn theo đại diện TP Hải Phòng, An Giang, với không ít dự án xây dựng, quyền lợi của các hộ bị thu hồi đất và nhà đầu tư, Nhà nước chưa gặp nhau. Thực tế, những địa phương muốn "được việc" đều có chính sách mở, hỗ trợ riêng. Song việc vận dụng chỉ với các vụ việc, cá nhân đơn lẻ, còn hậu quả của nó lại gây ra thiệt thòi cho những người dân ủng hộ chủ trương của Nhà nước.
Theo Thanh tra Chính phủ, đằng sau câu chuyện xây dựng pháp luật chính là cơ chế điều hành, phối hợp giữa các cơ quan từ TƯ đến địa phương còn nhiều vướng mắc, tác động lớn đến hiệu quả của việc áp dụng pháp luật, nhất là trong quá trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Theo kết quả rà soát của các bộ, ngành TƯ, tại nhiều địa phương còn tình trạng chưa tập trung giải quyết đối với những vụ việc đã được thống nhất chỉ đạo, ít chịu đối thoại với công dân. Trong trường hợp này, không chỉ luật cứng mà người xử lý cũng cứng. Vì vậy, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật Đất đai thì chính sách tiếp dân, chế độ cho cán bộ tiếp công dân cũng như đội ngũ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cần được lưu tâm và có sự giám sát chặt chẽ hơn để giải quyết ngay từ đầu những tranh chấp ở cơ sở. Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Chiến Bình khẳng định, với đơn thư nổi cộm, phức tạp thì lãnh đạo Thanh tra Chính phủ sẵn sàng cùng các tỉnh, TP tổ chức đối thoại với dân. Điều quan trọng là chính quyền địa phương cần nắm chắc tình hình khiếu nại ở cơ sở và lên tiếng ngay khi cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.