(HNMO) - Sáng 23-11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật An ninh mạng, một số đại biểu Quốc hội bày tỏ các quan điểm khác nhau về sự cần thiết khi ban hành Luật này.
Vài ba luật là quá ít ỏi!
Phát biểu mở đầu buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, môi trường an ninh mạng không khác gì môi trường xã hội. Trong môi trường xã hội có gì thì ở môi trường mạng có vấn đề đó, tốt cũng nhiều và xấu cũng lắm.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An). |
Trong xã hội có rất nhiều luật bị điều chỉnh, trong khi đó, môi trường mạng mới có Luật An toàn thông tin mạng, Luật Công nghệ thông tin và một vài ba luật nữa liên quan là quá ít ỏi.
"Vì sao trong môi trường xã hội chúng ta đã có Bộ luật Hình sự để đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm rồi mà chúng ta lại phải xây dựng thêm luật chuyên ngành như Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Phòng, chống mua bán người. Điều đó cũng giải thích vì sao đã có Luật An toàn thông tin mạng rồi mà vẫn phải xây dựng Luật An ninh mạng, vì phạm vi điều chỉnh của các luật đó hoàn toàn khác nhau.
Luật An toàn thông tin mạng bảo vệ sự an toàn thông tin trên ba thuộc tính chung nhất, đó là tính nguyên vẹn của thông tin, tính bảo mật thông tin và tính khả dụng của thông tin. Còn Luật An ninh mạng tập trung chống lại các thông tin độc hại, xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng. Đây là điểm khác biệt cơ bản của hai dự án luật này và tôi nghĩ rằng nếu sau này chúng ta có thêm những luật chuyên sâu trên môi trường mạng thì tôi cho đó là bình thường.
Thực tế nhiều nước trên thế giới như ở Mỹ, Trung Quốc, Anh, Australia, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc đã có Luật An ninh mạng mà Ban soạn thảo đã tham khảo khi xây dựng luật này" - đại biểu Nguyễn Hữu Cầu phân tích.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng). |
Chắc hơn hay cồng kềnh hơn?
Không đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, việc ban hành Luật An ninh mạng, trong khi đã có Luật An toàn thông tin mạng sẽ dẫn đến tình trạng một việc do 2 cơ quan quản lý, vừa chồng chéo, vừa có khả năng làm khó người dân.
"Vì an ninh quốc gia và việc bảo vệ an ninh quốc gia rất quan trọng, nên Quốc hội đã ban hành các Luật An ninh quốc gia, Luật An toàn thông tin mạng.
Có thể coi hai luật này như hai chiếc khóa rất chắc chắn, nay thêm Luật An ninh mạng không khác gì thêm chiếc khóa thứ ba. Tôi đề nghị Quốc hội cân nhắc hai khóa đã đủ chắc chắn chưa, nếu thêm một khóa chỉ để khóa cùng một cửa nhưng lại giao cho một người khác giữ chìa thì chắc hơn, hay cồng kềnh hơn trong thời buổi mở cửa này" - đại biểu Kim Thuý đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, nếu không tiếp thu thì cũng có giải trình hết sức thuyết phục và thỏa đáng.
Ủng hộ đại biểu Kim Thuý, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nêu, các biện pháp bảo vệ an ninh mạng do luật đề ra có nhiều điểm tương tự như Luật An toàn thông tin mạng. Do đó, đại biểu đề xuất nên bổ sung và hoàn chỉnh các bộ luật đã có. Nên tăng cường quản lý mạng xã hội bằng các Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Tiếp cận thông tin để ngăn chặn các tin tức giả, quảng cáo hướng mục tiêu vào sự thao túng của các nhóm đối tượng xã hội đối với hoạt động mạng xã hội.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang). |
"Chúng ta nên làm biện pháp khác như tăng cường mức phạt, ví dụ như ở Đức có mức phạt cao nhất lên đến 50 triệu Euro với các tin tức giả; hay đề xuất các yêu cầu công khai về thông tin, những người mua quảng cáo lĩnh vực liên quan đến chính trị trên mạng xã hội" - đại biểu nêu.
Luật có ý nghĩa quan trọng, xây dựng theo đúng quy trình
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định tầm quan trọng của dự án Luật An ninh mạng, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng, đặc biệt là bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Luật này cũng có ý nghĩa quan trọng trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ trong điều kiện của cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực.
Khi tình hình an ninh trên không gian mạng trên thế giới, trong khu vực diễn biến rất phức tạp, nhất là các hoạt động tấn công mạng, gián điệp, khủng bố trên mạng, đặc biệt là nguy cơ chiến tranh mạng đã và đang đe dọa trực tiếp đến Việt Nam. Các thế lực trong và ngoài nước đã triệt để sử dụng không gian mạng, chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, uy hiếp tới sự an toàn của chế độ và nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như cuộc sống bình yên của mọi người dân.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. |
Luật An ninh mạng được ban hành sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng công an nhân dân, quân đội nhân dân, các cơ quan, tổ chức và nhân dân có thể chủ động tiến hành có hiệu quả các hoạt động, các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, đấu tranh và loại trừ các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng, các hành vi tấn công vào hạ tầng kỹ thuật của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet của Việt Nam, đồng thời bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, khắc phục được những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.
Dự án Luật An ninh mạng đã được xây dựng theo đúng quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài và tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, các ĐBQH và của nhân dân.
Các ý kiến của ĐBQH tại kỳ họp đều thể hiện sự tâm huyết trách nhiệm cao để hoàn thiện dự án Luật. Ban soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các cơ quan hữu quan sẽ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật để trình ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 5 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.