Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lối thoát cho sản phẩm mây, tre, giang đan

Bạch Thanh| 08/04/2014 06:05

(HNM) - Một vấn đề nóng hiện nay đối với làng nghề mây, tre, giang đan là cơ sở sản xuất, DN đình đốn, sản phẩm tiêu thụ khó khăn, vùng nguyên liệu chưa được quy hoạch, việc xúc tiến thương mại cho các sản phẩm này hiện còn quá yếu...

Đây là vấn đề chính được đặt ra tại hội nghị chuyên ngành mây, tre, giang đan Việt Nam năm 2014 do Bộ NN&PTNT, Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức ngày 7-4, tại Hà Nội.

Sản xuất hàng mây, tre đan xuất khẩu tại làng nghề Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt


80% cơ sở sản xuất gặp khó

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho hay: Cả nước có 713 làng nghề mây, tre đan, chiếm 24% trong tổng số làng nghề thủ công mỹ nghệ, thu hút khoảng 350.000 lao động. Từ năm 2009 đến nay, các làng nghề mây tre nổi tiếng như Phú Nghĩa, nón Chuông, làng Vác, Chàng Sơn, Phú Túc… của Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn do thị trường bấp bênh, sản xuất cầm chừng. Theo nghệ nhân Tạ Thu Hương, làng nghề nón Chuông (Thanh Oai, Hà Nội): Nếu như trước đây những chiếc nón chất lượng cao, mẫu mã đẹp có giá từ 120.000 đồng/chiếc, nay chỉ còn 50.000 đồng/chiếc song rất khó tiêu thụ, trong khi giá nguyên liệu tăng khiến các cơ sở sản xuất đã khó càng khó hơn.

Theo thống kê, cả nước hiện có hàng trăm DN, hàng nghìn lao động tham gia chế biến các sản phẩm từ mây, tre. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp, làng nghề mây, tre, giang đan hiện nay là vốn và đầu ra sản phẩm bấp bênh. Theo đánh giá của Hiệp hội Làng nghề mây, tre, giang đan, hiện trên 80% cơ sở sản xuất không đủ nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất, xúc tiến thương mại, đổi mới công nghệ nên sản phẩm chưa được quảng bá rộng rãi. Đặc biệt là người tiêu dùng trong nước chưa tiếp cận được với thông tin về các sản phẩm tre, mây… chế biến công nghiệp, chưa cảm nhận được lợi ích khi sử dụng loại sản phẩm này.

Cần cơ cấu lại sản phẩm

Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ NN&PTNT, để ổn định và mở rộng thị trường các sản phẩm mây, tre, các làng nghề chế biến mây, tre đan cần phải nhanh chóng thay đổi cơ cấu sản phẩm. Hiện tại có 95% tổng giá trị của ngành mây, tre tập trung vào nhóm hàng truyền thống, chỉ mới có 5% chế biến công nghiệp nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Vì vậy, từ nay đến năm 2020 và 2030 phải phấn đấu thay đổi cơ cấu sản phẩm thành 30% sản phẩm truyền thống và 70% sản phẩm chế biến công nghiệp mới nâng cao giá trị của ngành chế biến mây, tre đạt mức 1 tỷ USD, ông Dũng nhận định. Mặt khác, theo dự báo, nhu cầu nguyên liệu của các làng nghề đến năm 2020 cần ít nhất 1 tỷ cây tre, nứa/năm. Vì vậy bên cạnh bảo tồn và phát triển tre, nứa trong tự nhiên, cả nước cần trồng mới khoảng 60.000ha tre, nứa, luồng… nâng tổng diện tích nguồn nguyên liệu mây, tre lên 1,5 triệu héc ta. Trong thời gian tới, Nhà nước cần quy hoạch, phát triển vùng gây trồng nguyên liệu mây, tre ở các địa bàn thích hợp, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang việc trồng mây, tre. Bên cạnh đó, Nhà nước cần thực hiện tốt chính sách hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp, hộ cá thể; đẩy mạnh xây dựng chính sách và chiến lược thị trường sản phẩm mây, tre. Đặc biệt, các doanh nghiệp, làng nghề cần tăng cường tiếp thị, tìm hiểu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng để sản xuất những sản phẩm thích hợp, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm tạo diện mạo mới cho các sản phẩm mây, tre đan.

Theo thống kê từ Bộ Công thương, sản phẩm mây tre Việt Nam đã được xuất khẩu tới trên 120 quốc gia, đứng đầu là thị trường Mỹ chiếm trên 19% thị phần, Nhật Bản chiếm gần 17% thị phần. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu mây tre Việt Nam hiện chỉ chiếm chưa đến 3% thị trường thế giới do chưa có thương hiệu chung.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lối thoát cho sản phẩm mây, tre, giang đan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.