Lợi suất trái phiếu Bund kỳ hạn 10 năm của Đức tăng 1 điểm cơ bản, lên -0,347%, bằng mức cao nhất trong bảy năm được ghi nhận vào cuối tuần trước.
Lợi suất trái phiếu chính phủ của các nước thành viên Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vẫn ở mức cao nhất bảy tuần trong ngày 6-9, do kỳ vọng lạm phát tăng, khi các thị trường vẫn lo ngại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ giảm tốc độ mua trái phiếu trong những tháng tới.
Lợi suất trái phiếu Bund kỳ hạn 10 năm của Đức tăng 1 điểm cơ bản, lên -0,347%, bằng mức cao nhất trong bảy năm được ghi nhận vào cuối tuần trước. Lợi suất trái phiếu Bund kỳ hạn 30 năm ở mức khoảng 0,15%, cũng gần các mức cao kỷ lục.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Pháp tăng lên 0,001%, lần đầu tiên quay lại mức dương kể từ giữa tháng 7.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm của Hy Lạp ở mức cao nhất trong hơn hai tháng là 0,056%, tăng 4 điểm cơ bản trong ngày.
Nhiều phát biểu ủng hộ việc thắt chặt chính sách tiền tệ và số liệu lạm phát mạnh được công bố trong tuần trước đã khiến các thị trường thận trọng trước khả năng ECB có thể xem xét rút các biện pháp kích thích khẩn cấp.
Nhà kinh tế trưởng của ECB, Philip Lane, cho rằng còn quá sớm để ngân hàng này lên kế hoạch giảm tốc độ của Chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trong đại dịch (PEPP) trị giá 1.850 tỷ euro (2.200 tỷ USD).
Tuy nhiên, tại cuộc họp vào ngày 8-9, ECB được cho là sẽ đặt ra tốc độ mua trái phiếu theo PEPP cho quý 4, một quyết định có thể có ý nghĩa lớn trong lúc ngân hàng này đang thảo luận về việc rút các biện pháp kích thích.
Số liệu chủ chốt về kỳ vọng lạm phát dài hạn của thị trường ở Eurozone tăng lên mức cao nhất trong ba năm là trên 1,72% và kỳ vọng lạm phát bình quân 10 năm của Đức tăng lên khoảng 1,47%, mức cao nhất kể từ cuối năm 2018.
Báo cáo việc làm của Mỹ được công bố cuối tuần trước cũng gây sức ép bán ra trái phiếu, khi cho thấy mức lương tăng mạnh và tỷ lệ thất nghiệp giảm, dù số việc làm mới được tạo ra trong tháng 8 thấp hơn dự kiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.