Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lời hứa và trách nhiệm

Thế Phương| 22/06/2012 05:36

(HNM) - Thêm nhiều dự án luật được thông qua, nhiều vấn đề quốc kế, dân sinh đã được đặt lên bàn nghị sự, sau hơn một tháng làm việc khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu, Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành kỳ họp thứ ba, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước.

Đăng đàn trực tiếp trả lời chất vấn tại kỳ họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chúng ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất. Với các giải pháp đồng bộ của Chính phủ, nếu thực hiện tốt, chúng ta vẫn có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra trong năm nay (GDP tăng 6%, lạm phát từ 7 đến 8%). Dứt khoát không để lạm phát tăng trở lại… Hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế có thể rất khó hiểu với không ít cử tri nhưng lại liên quan đến miếng cơm, manh áo của hàng triệu người dân. Cử tri có phần yên tâm trước thông điệp mạnh mẽ đã được Chính phủ phát ra. Tuy nhiên vẫn còn bức xúc trên nhiều lĩnh vực.

Kỷ cương hành chính chưa nghiêm, nạn tham nhũng chưa được đẩy lùi gây bức xúc trong dư luận. Đất đai tiếp tục là vấn đề "nóng" khi pháp luật về lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập, tiềm ẩn các yếu tố nguy cơ gây bất ổn cho xã hội và làm suy giảm lòng tin của nhân dân với Nhà nước. Đầu tư cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn còn dàn trải, thiếu đồng bộ. Đào tạo phát triển tràn lan, nhưng chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu xã hội. Chủ trương cắt giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát khiến nhiều công trình dang dở gây lãng phí không đáng có… Rồi thủy điện phát triển ồ ạt, thiếu an toàn; tình trạng độc quyền về kinh doanh xăng dầu, điện vẫn chưa được xóa bỏ… Không ít vấn đề bức xúc đã kéo qua nhiều kỳ họp Quốc hội.

Nhiều bộ trưởng, thành viên Chính phủ đã nhận trách nhiệm, đã hứa với cử tri trong từng phần việc thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Thế nhưng, thực tế từ lời hứa đến hành động cụ thể vẫn còn những khoảng cách. Làm thế nào để lấp đầy khoảng cách đó? Làm thế nào để những lời hứa không bị "gió bay"?... Cử tri cả nước có quyền đòi hỏi các thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm túc những lời hứa của mình. Chế tài để xử lý các vị "tư lệnh ngành" sẵn sàng hứa, sẵn sàng nhận trách nhiệm nhưng không thực hiện, hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn đều đã có, vấn đề là áp dụng thế nào để những chế tài ấy thực sự mang lại hiệu quả.

Để những lời hứa trước nhân dân trở thành hiện thực, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội, việc tăng cường năng lực và đổi mới công tác giám sát của Quốc hội tiếp tục là vấn đề cần được đặt ra sau mỗi kỳ họp. Rất nhiều đề xuất đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân, nhằm mang lại hiệu quả thật sự cho hoạt động giám sát. Vấn đề còn lại là thực hiện thế nào? Người dân trông cậy vào ý thức trách nhiệm của các vị "tư lệnh" ngành, các đại biểu Quốc hội trên từng vị trí công tác và mong muốn các cơ quan chức năng triển khai thực hiện một cách nghiêm túc để những quyết định của Quốc hội trong kỳ họp này sớm trở thành hiện thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời hứa và trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.