Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lời giải cho xử lý rác thải nông thôn

Hoàng Văn| 20/09/2016 07:15

(HNM) - Thống kê hiện nay cho thấy, có tới 99% số xã ở khu vực ngoại thành của TP Hà Nội đã thành lập được tổ thu gom rác; 87% số rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý... Nếu nhìn vào con số ấn tượng này nhiều người cho rằng, môi trường khu vực nông thôn đã xanh - sạch - đẹp. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống quản lý, công tác thu gom, vận chuyển rác thải ở khu vực này đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục.


Trước hết, công tác thu gom rác thải ở hầu hết các huyện triển khai theo mô hình tự quản cấp thôn, xóm; phương tiện thu gom thủ công, thô sơ; hoạt động thu gom ngắt quãng, 2-4 ngày/lần, thậm chí có địa phương 5 ngày/lần. Đặc biệt, công tác thu gom, tập kết rác chưa có sự kết nối với các doanh nghiệp vận chuyển dẫn tới rác thải tồn đọng nhiều trong khu dân cư, điểm tập kết... gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Mặt khác, công tác quản lý nhà nước về môi trường khu vực nông thôn thời gian qua giữa các sở, ngành, địa phương chưa có sự phân công rõ ràng, dẫn đến hoạt động chồng chéo. Thậm chí xuất hiện cơ chế “xin - cho”, phân chia quyền lợi nên công tác vệ sinh môi trường ở một số địa phương chưa đúng với chức năng, nhiệm vụ phân công. Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến công tác vệ sinh môi trường ở nông thôn trì trệ đó là, mức thu nhập của lực lượng làm vệ sinh môi trường còn quá thấp, không bảo đảm cuộc sống. Hơn nữa, họ không có chế độ bảo hiểm, không được trang bị bảo hộ lao động, không qua đào tạo nghề... dẫn đến tư tưởng “thích thì làm, chán là nghỉ”...

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam đối với khu vực nông thôn là 90-95% như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đã thông qua, chúng ta còn nhiều việc phải làm. Trong đó, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần có giải pháp căn cơ về cơ chế chính sách, tổ chức quản lý, đầu tư khoa học công nghệ; huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác quản lý chất thải nông thôn...

Trước mắt, thay đổi công tác vệ sinh môi trường khu vực nông thôn từ hình thức đặt hàng sang đấu thầu với các doanh nghiệp môi trường, tạo sự đồng nhất công tác thu gom với các quận nội thành. Thực hiện giải pháp này sẽ triệt tiêu cơ chế “xin - cho”, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Đồng thời, đưa công tác vệ sinh môi trường nông thôn về một đầu mối quản lý, vận hành, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”. Bởi khi đã rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm thì hiệu quả công việc sẽ được nâng cao.

Với các địa phương, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường bằng những việc làm, hành động thiết thực như bỏ rác đúng quy định, đúng giờ, không vứt rác ra môi trường xung quanh. Còn đối với các doanh nghiệp môi trường, cần thực hiện đồng bộ hóa công tác thu gom, vận chuyển đến xử lý rác. Tiến tới áp dụng công nghệ xử lý, tái chế rác tiên tiến, giảm dần khối lượng chôn lấp... Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành ban hành đơn giá thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt cho khu vực nông thôn; xem xét cơ chế cho các địa phương huy động nguồn vốn triển khai công tác quản lý và thu gom, phân loại rác tại nguồn.

Khi thực hiện đồng bộ các giải pháp, môi trường nông thôn sẽ ngày càng xanh - sạch - đẹp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân ngoại thành được nâng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời giải cho xử lý rác thải nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.