(HNM) - Một trong những nguyên nhân khiến thanh toán số (còn gọi là thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt) tại Việt Nam chưa phát triển là do cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập.
Mặc dù xu hướng thanh toán online (trực tuyến) ngày càng tăng, nhưng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, lượng giao dịch không dùng tiền mặt tại Việt Nam ở mức thấp nhất khu vực, chỉ đạt 4,9%. Có một nguyên nhân được chỉ ra bắt nguồn từ thói quen và tâm lý tiêu dùng của người Việt thích tiêu tiền mặt vì sợ không quen, không kiểm soát được chi phí, không an toàn... Tuy nhiên, còn một thực tế là hệ thống hạ tầng cho thanh toán số tại Việt Nam tồn tại nhiều bất cập.
Hiện, các tổ chức tài chính (gồm ngân hàng, trung gian thanh toán và ví điện tử) đều xây dựng hệ thống trang thiết bị thanh toán riêng tại một điểm chấp nhận thanh toán, do vậy, vừa lãng phí lại không tận dụng được hạ tầng chung. Các hình thức thanh toán mới như QR Code (mã thanh toán), sinh trắc học... bắt đầu phát triển nhưng chưa được quy hoạch, đánh giá để triển khai diện rộng. Thêm nữa, các hệ thống thanh toán hiện chưa phổ cập vì các tổ chức tài chính mới tập trung phát triển mạng lưới, khách hàng tại các khu vực thành thị, hướng tới đối tượng người dân có thu nhập cao, có tài khoản ngân hàng.
Vì vậy, theo đại diện Tổng công ty Viễn thông Viettel, để giải quyết tồn tại về hạ tầng thanh toán số hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước cần quy hoạch thiết kế xây dựng "Hạ tầng thanh toán số quốc gia" đồng bộ, thống nhất, dùng chung. Việc này cho phép các tổ chức tài chính trong nước, quốc tế sử dụng hạ tầng mạng lưới rộng khắp của các đơn vị viễn thông để triển khai các dịch vụ cho người dân với chi phí thấp.
Làm rõ hơn về đề xuất này, đại diện Tổng công ty Viễn thông Viettel chỉ ra, hiện nay, việc thanh toán số đang tồn tại một vấn đề về việc kiểm soát thanh toán xuyên biên giới. Hiện, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước có thể dễ dàng mua bán hàng hóa, dịch vụ cho các nhà cung cấp thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại di động và internet ra nước ngoài mà các cơ quan quản lý nhà nước chưa thể quản lý, kiểm soát, dẫn tới việc thất thu thuế. Đây cũng là vấn đề tồn tại trong quản lý với các mạng xã hội hoạt động theo hình thức xuyên biên giới vào Việt Nam.
Trước đó, hồi đầu tháng 1-2019, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính) cho biết, quảng cáo trên Facebook khiến Việt Nam đang bị mất hai nguồn lực thuế. Thứ nhất là tiền thuế của cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội, vì bán hàng qua Facebook sẽ “né” được doanh thu. Thứ hai, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trả tiền quảng cáo cho Facebook thông qua thẻ tín dụng, cơ quan thuế không nắm được, không thu được thuế nhà thầu từ Facebook. Được biết, vấn đề này đang được Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng cục Thuế và Ngân hàng Nhà nước bàn bạc để đưa ra biện pháp chống thất thu thuế qua mạng xã hội.
Đẩy mạnh thanh toán số được Chính phủ coi là một trong những giải pháp, nhiệm vụ quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh. Vì vậy, đầu năm 2019 Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép các nhà mạng thí điểm cung cấp dịch vụ dùng tài khoản viễn thông thanh toán dịch vụ có giá trị nhỏ; đồng ý chủ trương cho phép nhà mạng tham gia hạ tầng thanh toán và bù trừ điện tử... Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước và bộ, ngành có liên quan để triển khai. Với thế mạnh về hạ tầng, công nghệ và nguồn vốn, việc các nhà mạng tham gia thị trường tài chính - ngân hàng điện tử sẽ góp phần thúc đẩy nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, cũng như tạo thuận lợi cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.