Giao thông

Thanh toán điện tử giao thông đường bộ: Phải tiện lợi, an toàn

Tuấn Lương 30/09/2024 - 20:17

Thanh toán điện tử trong giao thông là xu thế bắt buộc, góp phần công khai, minh bạch, giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí.

Tuy nhiên, để thực sự thuyết phục được các chủ phương tiện, phía cơ quan quản lý và đơn vị cung cấp dịch vụ phải có giải pháp công nghệ thân thiện, ổn định, bảo mật, an toàn…

quang-canh-hoi-thao.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Tạ Hải

Đó là những nội dung chính được nêu ra tại Hội thảo “Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông?” do Báo Giao thông phối hợp với Tạp chí điện tử Vietimes tổ chức chiều 30-9, tại Hà Nội.

Chủ phương tiện phải có tài khoản thanh toán

Tại Nghị định về Thanh toán điện tử giao thông đường bộ vừa được Chính phủ ban hành ngày 30-9-2024 và có hiệu lực từ ngày 1-10-2024, chủ phương tiện tham gia giao thông sẽ có một tài khoản giao thông để thanh toán điện tử hầu hết các loại phí, giá, không chỉ với giao thông đường bộ mà còn cho các dịch vụ tại các cảng hàng không, cảng biển, bãi đỗ xe, điểm đỗ xe, kiểm định… Qua đó sẽ giúp người tham gia giao thông tiết kiệm thời gian, chi phí khi thanh toán các dịch vụ giao thông. Điều này cũng phù hợp với chủ trương hạn chế sử dụng tiền mặt của Nhà nước.

thu-phi-tu-dong-tuan-khai.jpg
Chủ phương tiện phải có tài khoản giao thông để thanh toán điện tử. Ảnh: Tuấn Khải

Theo ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác Quốc tế (Cục Đường bộ Việt Nam), về mô hình triển khai thanh toán điện tử, Bộ Giao thông vận tải sẽ xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ để chia sẻ cho các nhà cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực không do Bộ quản lý.

Theo lộ trình, từ ngày 1-10-2024 đến ngày 1-10-2025, chủ phương tiện phải thực hiện chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán.

Từ ngày 1-10-2024 đến 1-7-2026 thực hiện duy trì hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ triển khai kết nối hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông qua tài khoản giao thông. Sau đó, từ ngày 1-7-2026 chính thức vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

hanh-khach-su-dung-the-ve.jpg
Hành khách sử dụng thẻ vé điện tử khi tham gia giao thông công cộng tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Công

Bà Trương Kiều Anh, Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã thí điểm thu phí dịch vụ đỗ xe không dùng tiền mặt, thẻ vé điện tử giao thông công cộng. Với hệ thống thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm đỗ xe, tỷ lệ sử dụng thanh toán không tiền mặt 88-89% đối với ô tô còn xe máy là 85%. Với thẻ vé điện tử áp dụng cho mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Thủ đô, tỷ lệ người dân sử dụng thanh toán online là 85%.

"Thanh toán điện tử trong giao thông là xu thế bắt buộc, đây cũng là một trong những chức năng hệ thống điều hành của giao thông thông minh nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục, tiếp tục hoàn thiện để đem lại sự tiện ích cho người dân và cơ quan quản lý. Ngoài ra, cũng cần hành lang pháp lý để triển khai chính thức. Bên cạnh phải có giải pháp công nghệ phải thân thiện, ổn định, cần bảo đảm bảo mật, khả năng chia sẻ cơ sở dữ liệu với các cơ quan quản lý của thành phố, cơ quan chuyên ngành riêng” – bà Trương Kiều Anh nói.

Hoàn thành khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện hạ tầng dịch vụ

Đề cập tới vấn đề chia sẻ cơ sở dữ liệu, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong Luật Đường bộ đã có quy định liên quan tới cơ sở dữ liệu.

Theo đó, một trong những thành phần của cơ sở dữ liệu đường bộ sẽ được quản lý tập trung tại Bộ Giao thông Vận tải, được kết nối, chia sẻ với các đơn vị liên quan. Các đơn vị tuân thủ việc chia sẻ dữ liệu cơ sở cá nhân, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Việc chia sẻ dữ liệu trên cơ sở đề nghị, nhu cầu, được sự đồng ý của chủ thanh toán, các dữ liệu có thể chia sẻ cho các cơ sở thanh toán dịch vụ, với mục tiêu đưa tới thuận tiện nhất cho người dân và doanh nghiệp.

thanh-toan-tie-trong-giu-xe-duc-huy.jpg
Một người dân quét mã để trả phí trông giữ phương tiện. Ảnh: Lê Khánh

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thanh toán, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, trên thế giới có hai xu hướng: thu phí giao thông theo cơ chế độc lập và thu phí giao thông theo cơ chế liên thông.

Theo đó, xu hướng thu phí giao thông theo cơ chế độc lập đã được triển khai từ nhiều năm nay như mua vé bằng tiền mặt, mua vé bằng thẻ từ trên xe buýt, tại sân ga đường sắt đô thị. Song, trên thế giới đa phần đã chuyển sang thu phí giao thông theo cơ chế liên thông.

Tại Việt Nam, còn nhiều khó khăn trong phát triển thẻ vé như các phương tiện chưa liên thông; không tối ưu được nguồn lực xã hội; chưa có tiêu chuẩn thẻ vé chung; người dân phải mua vé bằng tiền mặt hoặc có nhiều thẻ; để nạp tiền, người dân phải nạp tại quầy thanh toán.

Trong khi đó, khi phát triển phương tiện giao thông công cộng, nếu không tối ưu hoá hình thức thẻ vé, hạn chế việc người dùng phải xếp hàng chờ đợi thẻ vé thì khó có thể thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Theo ông Nguyễn Trung Anh, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung hoàn thành khuôn khổ pháp lý cũng như phát triển hạ tầng, dịch vụ.

Về phát triển hạ tầng, Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử; tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số; bảo đảm an ninh, an toàn bảo mật…

thu-phi-etc-noi-bai.jpg
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng đã triển khai thu phí tự động không dừng. Ảnh: Phan Công

Đối với phát triển dịch dịch vụ, Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh ứng dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số hóa; đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên Mobile: QR Code, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán di động, thanh toán không tiếp xúc, ví điện tử…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh toán điện tử giao thông đường bộ: Phải tiện lợi, an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.