(HNM) - Thống kê của Cục Thuế xuất nhập khẩu (XNK), Tổng cục Hải quan (TCHQ) cho thấy, kể từ khi thực hiện Luật Thuế xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK) năm 1987 đến giữa năm 2010, số nợ đọng thuế do ngành hải quan quản lý còn khoảng 4.500 tỷ đồng.
Ngoài những khoản nợ có khả năng thu hồi, số nợ khó đòi do doanh nghiệp (DN) trây ỳ, bỏ trốn thậm chí tự giải thể khá lớn. Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, TCHQ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thu hồi số thuế nợ đọng và hạn chế nợ mới phát sinh.
195,7 tỷ đồng tiền nợ đọng thuế mỗi năm
Kể từ khi Luật Thuế XNK có hiệu lực từ năm 1987 đến nay, số tiền nợ đọng thuế do ngành hải quan quản lý khoảng 4.500 tỷ đồng. Như vậy, trong thời gian qua, số thuế nợ đọng phát sinh trung bình là 195,7 tỷ đồng/năm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế, nhưng nguyên nhân chính là do chính sách thuế thời điểm trước khi Quốc hội chưa ban hành Luật Quản lý thuế (có hiệu lực tháng 7-2007) với giai đoạn sau có nhiều thay đổi. Trước đó, các DN XNK hàng hóa đều được hưởng chính sách ân hạn thuế. Lợi dụng chính sách này, một số đối tượng DN đã thành lập DN "ma" để NK hàng hóa. Đến hạn nộp thuế, DN không thanh toán hoặc bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh. Thống kê của Cục Hải quan TP Hải Phòng cho thấy, tính đến cuối năm 2010, đơn vị còn tồn đọng 992 tỷ đồng tiền nợ thuế quá hạn. Tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, số nợ thuế khó đòi của DN là hơn 1.115 tỷ đồng...
Bà Lỗ Thị Nhụ, Cục trưởng Cục Thuế XNK- TCHQ cho biết, việc thu hồi nợ thuế hiện gặp nhiều khó khăn, bởi đa số các khoản nợ thuế còn tồn đọng phát sinh đã lâu, nhiều khoản khó có khả năng thu hồi do DN đã giải thể, phá sản, tự ngừng hoạt động... Có trường hợp người đứng tên giám đốc lại không phải chủ DN mà chỉ là giám đốc thuê, một số chủ DN lĩnh án tù cũng không có khả năng nộp thuế. Ngoài ra, còn một số DN đã có quyết định giải thể phá sản, nhưng khi làm thủ tục, cơ quan có thẩm quyền không thông báo cho cơ quan Hải quan nên khoản nợ thuế vẫn chưa xử lý dứt điểm. Việc cưỡng chế nợ theo trình tự quy định của Luật Quản lý thuế còn phức tạp. Khi cơ quan Hải quan có quyết định yêu cầu ngân hàng trích tiền từ tài khoản của DN để nộp thuế, tài khoản không có tiền, hoặc số dư còn ít, không đủ trừ nợ thuế của DN.
Bỏ ân hạn thuế để tránh nợ xấu?
Nhận xét về tình trạng nợ đọng thuế XNK, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, có 5 nguyên nhân dẫn đến nợ đọng, gồm yếu tố chính sách, nhận thức của DN, thay đổi về cơ chế dẫn đến hoạt động của DN có xáo trộn và các biện pháp thu đòi nợ chưa hiệu quả. Nhưng, đáng chú ý vẫn là ý thức chấp hành pháp luật thuế của DN. Bởi, khi DN đã cố tình trốn thuế, việc thu đòi nợ thuế sẽ gặp khó khăn. Trường hợp trốn thuế của Công ty TNHH Hiệp Bình tại 258 phố Huế (Hà Nội) là một điển hình. Năm 2003, Công ty Hiệp Bình đã mở 5 bộ tờ khai NK xe gắn máy tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội và được ân hạn thuế 30 ngày theo quy định, nhưng quá thời hạn vẫn không nộp thuế. Các ngành chức năng đã phối hợp để thu đòi nợ, nhưng tài khoản của DN này tại ngân hàng luôn trống rỗng. Sau nhiều lần chuyển địa điểm kinh doanh, chủ DN Hiệp Bình đã bỏ trốn, bỏ lại khoản nợ thuế hơn 5,3 tỷ đồng. Từ thực tế trên, ngành chức năng kiến nghị, nên xem xét bỏ cơ chế ân hạn thuế với DN. Bởi, quy định này đã khiến việc theo dõi, quản lý của Hải quan với những đối tượng nợ thuế rất khó khăn.
Những khoản nợ thuế còn tồn đọng chủ yếu là nợ phát sinh từ trước khi thực hiện Luật Thuế XK, NK hiện hành. Để xử lý các khoản nợ thuế, TCHQ đã phân loại nợ, yêu cầu hải quan các địa phương tìm chủ nợ nhằm kiên quyết thu hồi. Với DN cố tình nợ kéo dài, TCHQ phối hợp với địa phương cưỡng chế thi hành. Những khoản nợ phát sinh đã lâu, khó có khả năng thu hồi do DN giải thể, phá sản, TCHQ trình Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét. Mới đây, TCHQ đã trình Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cho sửa Luật Quản lý thuế theo hướng trừ những trường hợp có bảo lãnh được áp dụng thời hạn nộp thuế 30 ngày, DN phải nộp thuế trước khi nhận hàng, vì theo quy định hiện nay chỉ hàng tiêu dùng và hàng phi mậu dịch DN mới phải nộp thuế trước. Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của ngành hải quan, cần có chế tài xử phạt nghiêm và siết chặt việc cấp phép thành lập DN. Như vậy mới hạn chế tình trạng thành lập DN "ma" để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.