(HNM) - Cảnh sát giao thông Thanh Hóa vừa lập biên bản xử phạt, tạm giữ hai xe khách chở quá số lượng cho phép. Cụ thể, đêm 24-2, trong lúc tuần tra, kiểm soát tại địa phận huyện Tĩnh Gia, các chiến sĩ cảnh sát giao thông phát hiện xe khách mang BKS 14B - 004.39 và 37B - 007.78 có dấu hiệu vi phạm nên dừng xe kiểm tra, nhưng lái xe không chấp hành hiệu lệnh, tăng ga bỏ chạy.
Lực lượng chức năng đã tổ chức truy đuổi và sau khoảng 20km đã chặn được hai xe trên địa phận huyện Quảng Xương. Kiểm tra phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện xe khách BKS 37B - 007.78 có sức chứa 40 hành khách, chở tới 74 người. Xe 14B - 004.39 còn khủng khiếp hơn khi nhồi 117 khách, trong khi phương tiện chỉ được thiết kế 37 giường nằm. Quả là đáng sợ, bởi nếu không may xảy ra sự cố, tai nạn, không hiểu số phận các hành khách sẽ thế nào. Cơ quan chức năng đã phạt xe 14B - 004.39 với số tiền 85 triệu đồng, mức phạt dành cho xe 37B - 007.78 là 38 triệu đồng, đồng thời tước giấy phép lái xe trong thời hạn 30 ngày đối với hai lái xe. Đây là mức phạt thích đáng đối với hành vi coi thường luật pháp, tính mạng người khác chỉ vì lợi nhuận.
Tình trạng xe chở quá số lượng hành khách cho phép, đặc biệt là trong dịp lễ, Tết, khi nhu cầu đi lại tăng cao thường diễn ra trong những năm qua. Trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, mỗi ngày đường dây nóng của Ủy ban ATGT quốc gia cũng nhận hàng trăm cuộc điện thoại của người dân phản ánh về tình trạng nhồi nhét khách hoặc thu cước quá mức quy định. Cơ quan này cho biết đã chuyển phản ánh tới các lực lượng chức năng để kiểm tra, xử lý. Thế nhưng, có vẻ như các cơ quan chức năng chưa có giải pháp hữu hiệu hoặc chưa đủ quyết liệt. Hậu quả là những chiếc xe nhồi nhét hành khách vẫn băng băng trên các tuyến đường, mang theo bao nỗi lo sợ, hoang mang, reo rắc sự kinh hoàng cho người tham gia giao thông. Nhiều lý do được các cơ quan chức năng viện dẫn để kêu khó trong việc tìm biện pháp xử lý triệt để. Các bến xe luôn khẳng định, chỉ quản lý phương tiện trong bến, còn khi đã xuất bến trách nhiệm thuộc về lực lượng kiểm tra, xử lý giao thông. Lực lượng này thì than rằng, ít người nên không thể rải đều, kiểm soát trên từng cây số. Thậm chí, có ý kiến "đổ" lỗi cho hành khách khi họ chấp nhận đi trên xe quá tải!
Thẳng thắn nhìn vào sự thật, chính những bất cập trong quản lý, điều hành, bố trí phương tiện là nguyên nhân khiến hành khách chịu thiệt. Trước Tết Nguyên đán, đại diện các cơ quan chức năng luôn hùng hồn tuyên bố bảo đảm đủ phương tiện, không để hành khách chậm chuyến về quê ăn Tết và có vẻ như cam kết này đã thực hiện rất tốt. Nhưng, ở chiều ngược lại, nhu cầu trở lại các thành phố lớn của người dân sau kỳ nghỉ chưa được quan tâm, đáp ứng đúng mức. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và có giải pháp xử lý hữu hiệu. Chỉ có biện pháp quản lý, điều hành hiệu quả phù hợp mới có thể giải quyết dứt điểm những bất cập nêu trên. Tết Nguyên đán đã qua, nhưng vẫn đang trong mùa lễ hội và nhu cầu đi lại vẫn cao. Khi đã xảy ra sự cố đáng tiếc, mọi nỗ lực khắc phục dù tốn kém cũng chỉ như... đá ném ao bèo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.