(HNM) - Chúng tôi hỏi thăm vào xưởng chế tác của nghệ nhân khuyết tật Phạm Anh Đạo, xóm 2, thôn cổ Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Vừa tới đầu xóm, chị bán trà đá khoát tay:
Lúc chúng tôi đến xưởng, Đạo đi vắng. Khu xưởng - dãy nhà cấp bốn - bày biện la liệt những sản phẩm đang trong quá trình hoàn thiện. Nhưng điều đặc biệt trong khu xưởng của Đạo là hầu hết sản phẩm chỉ mang tính đơn chiếc, rất ít sản phẩm hàng loạt và… không có bóng dáng bất cứ công nhân nào. Ông Phạm Ngọc Huy, bố Đạo bảo: "Nó cứ mày mò làm thủ công thế thôi, hễ đi vắng là xưởng lại đóng cửa".
Trong khi ngồi chờ Đạo bên ngoài gian hàng giới thiệu sản phẩm, chúng tôi nghe ông Huy kể về tuổi thơ của đứa con kém may mắn trong gia đình. Ấy là vào năm 1977, nghe tiếng khóc của cặp song sinh chào đời, ông Huy mừng lắm và đặt tên cho cặp đôi ấy là Phạm Anh Đạo và Phạm Anh Đức. Niềm vui của ông Huy chưa kịp nhóm lên đã mang một nỗi buồn khi bác sĩ thông báo: Ðạo chỉ nặng 1,6kg, còn Đức cũng vẻn vẹn 1,7kg. "Hai đứa cộng lại được 3,3kg, đúng bằng một đứa trẻ bình thường anh ạ". - ông Huy nhớ lại. Và cũng chính vì thiếu cân, yếu ớt từ lúc mới sinh, lại gặp thời điểm kinh tế còn khó khăn, Đạo ốm đau, liên tục phải vào viện, điều trị hết đợt kháng sinh này đến đợt kháng sinh khác. Uống không khỏi thì tiêm, điều trị ở bệnh viện này không dứt thì chuyển bệnh viện khác, Đạo sống được nhờ thuốc.
Nghệ nhân Phạm Anh Đạo tạo hình sản phẩm gốm truyền thống. |
Thương con, vợ chồng ông Huy tìm hết thầy này đến thuốc khác, chăm bẵm con tối ngày. Nhưng rồi đến một hôm, ông chợt phát hiện ra đứa con yếu ớt của mình không nghe được cũng không nói được như những đứa trẻ bình thường. Thế là ông lại đưa con đi khắp các bệnh viện để tìm nguyên nhân. Đến Bệnh viện Tai mũi họng, các bác sĩ kết luận màng nhĩ của Ðạo hoàn toàn bình thường. Ông Huy không tin. Ông cho rằng, một đứa trẻ có màng nhĩ bình thường thì phải nghe được, phải nói được chứ? Nhiều người trong xóm bắt đầu xì xào: Thằng Đạo bị câm rồi! Câu nói làm tim người cha đau nhói và quyết tâm tìm ra bệnh cho con. Ông lại ôm con đi chiếu chụp khắp nơi thì phát hiện Đạo bị viêm dây thần kinh thính giác. Giải thích nôm na, ông Huy bảo: "Nó như cái mi-cờ-rô mà điện trở quá bé ấy, âm thanh nhỏ không thể bắt được. Mà không nghe được thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển ngôn ngữ nên Đạo không nói được". Nhiều lúc trầm tư, ông Huy trộm nghĩ, giá mà nó "chửi" mình được một câu thì mình cũng đã thấy sướng lắm rồi. Và mãi đến năm lên 7 tuổi thì Đạo bắt đầu bập bẹ nói. Lúc này, ông Huy mới quyết định đưa con đến trường.
Ðạo đến trường, song do không nghe được thầy cô giảng bài nên cứ tụt dần. Bạn bè lên lớp, còn Đạo thì 14 tuổi vẫn không vượt qua nổi lớp 6 cứ phải học cùng các em ít tuổi hơn. Rồi cũng bởi thương con, ông cho Đạo nghỉ ở nhà. Chưa đến tuổi lao động, Đạo chỉ có việc đi chơi, lang thang làng trên xóm dưới và thi thoảng phụ giúp ông Huy làm gốm. Lúc đó, nhiều người nghĩ rằng, một người "ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời" thì chẳng thể làm được việc gì. Nhưng bước ngoặt cuộc đời đã đến với Đạo năm anh 17 tuổi. Ông Huy đang làm Giám đốc Xí nghiệp Sứ Bát Tràng nên đã xin cho Đạo vào làm công nhân. "Lúc mới đi làm, mọi người trong xí nghiệp cũng nghi ngại lắm. Ấy thế mà chỉ chưa đầy năm, nó đã làm được tất cả các việc khó mà chỉ có thợ bậc cao mới làm được!" - Ông Huy tự hào nhớ lại. Rồi đến lúc đó, ông Huy cũng mới nghiệm lại rằng, cái lúc mà ông làm thêm ở nhà, đã có lần Đạo đập vào vai bố khiến ông giật mình ngoái lại. Nhìn dáng con so vai rụt cổ phía sau, ông không hiểu chuyện gì cứ ngỡ con mình nghịch ngợm. Hóa ra, cậu thấy bố làm bằng đất nhão khiến chiếc bình hoa bị xệ cổ. Và cũng đến lúc đó ông mới biết, những ngày tháng rong chơi khắp các lò gốm trong thôn chính là thời gian Đạo học được các tinh hoa của làng gốm. Đến khi được đi làm, Xí nghiệp Sứ Bát Tràng chính là nơi dụng võ, để Đạo thỏa sức thể hiện tay nghề.
Đơm hoa kết trái
Làm được một thời gian ở xí nghiệp của bố, năm 2000, Đạo xin nghỉ. Ông Huy lại lọ mọ đi vay tiền dựng một lò nung gốm cho Đạo làm ở nhà. Trong khi những lò "hàng xóm" mỗi mẻ cho ra hàng nghìn sản phẩm đều tăm tắp thì lò của Đạo chỉ vài trăm cái mà chả cái nào giống cái nào. Cũng bởi người ta làm bằng máy, bằng khuôn, còn Đạo thì làm hoàn toàn bằng tay với bàn xoay truyền thống, hết vuốt rồi lại đắp, lại nặn. Mà cứ vừa vuốt xong, anh đã vặn ngoéo cho sản phẩm méo chỗ này, lõm chỗ khác. Rồi nước men cũng chẳng giống ai, cứ loang lổ chỗ có, chỗ không. Ông Huy nhìn con làm mà lo. "Làm thế có mà bán cho ma Tây à!". Ấy thế mà sản phẩm của Đạo cứ bán cho… Tây thật. Mẻ sản phẩm đầu tiên ra lò, chỉ loáng cái đã bán hết veo. Mà khách "ăn" hàng nhiều nhất lại là những người Nhật Bản. "Bấy giờ, tôi mới thấy suy nghĩ của mình là quá khuôn mẫu. Cái cách nó vẩy men loang lổ, cách nó "bóp méo" sản phẩm chính là sự sáng tạo một cách hợp thời" - ông Huy tâm sự.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người bắt đầu để ý đến anh Đạo "điếc" cả ngày chẳng thấy nói câu gì. Và thế là Đạo có đơn hàng đầu tiên. Đó là 600 bình gốm có đường kính 60cm, cao 40cm, giao hàng sau ba tháng. Lúc đầu, chị Trinh (vợ anh Đạo) không dám nhận vì chồng chưa bao giờ làm số lượng sản phẩm lớn trong thời gian ngắn như vậy. Chị về bàn với chồng. Ðạo quyết nhận đơn hàng. Đúng ba tháng, đơn hàng hoàn thành ngoài mong đợi của cả nhà. Thế là thêm một lần nữa, Đạo khẳng định được đôi tay tài hoa.
Có được những thành công ban đầu, Ðạo bắt đầu mày mò phỏng theo gốm hoa nâu thời Lý - Trần, gốm men lam, men rạn. Và đến năm 2010, anh đã làm được một việc mà nhiều thế hệ nghệ nhân Bát Tràng ao ước, đó là vuốt tay và cho ra lò thành công hai chiếc chóe kỷ lục, mỗi chiếc năm tạ, chiều cao 1,95m, đường kính gần 1,2m với nước men rạn theo lối giả cổ. Làm sản phẩm lớn đã khó, chế tác thủ công lại càng khó hơn, vì phải tạo hình trên bàn xoay, phải tính cốt đất, lượng nhiệt sao cho khi nung không bị nổ men. Với sản phẩm này, Đạo đã chính thức được công nhận là nghệ nhân làng nghề trẻ nhất Bát Tràng, khi đó anh 35 tuổi.
Nói về Đạo, ông Phạm Huy Khôi, Phó bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng, cứ tấm tắc: "Xã có 18 nghệ nhân thì Đạo trẻ nhất! Đạo đã biết vươn lên từ những thiệt thòi cá nhân và là tấm gương sáng cho nhiều người học tập". Theo ông Khôi, Đạo được công nhận là nghệ nhân cũng phải thôi khi mà những tiêu chí dành cho nghệ nhân như trình độ nghề, độ khéo tay, thâm niên làm nghề và có khả năng lan tỏa nghề thì Đạo đều có cả. Đặc biệt, ở thời nay, Đạo là một trong số ít những người tâm huyết với nghề làm gốm thủ công truyền thống, giữ gìn những nét tinh hoa của làng gốm cổ Bát Tràng.
Kể về những ngày vượt qua chính mình để học nghề, Đạo nhát gừng: "Khó lắm. Cứ phải làm đi làm lại suốt". Sự học của Đạo chỉ dồn vào hai con mắt qua quan sát cách làm của người khác. Nhưng, dù khó đến đâu, anh cũng quyết làm cho bằng được.
"Bác Hồ đã dạy: Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Chính lời Bác đã giúp tôi không nản chí, giúp tôi ngày càng lớn lên, trưởng thành hơn.” - Đạo nói với chúng tôi trước lúc chia tay. Và chúng tôi cũng mong rằng, ngoài những danh hiệu đã đạt được như: Thanh niên Thủ đô tiêu biểu, Bàn tay vàng nghề gốm sứ, Nghệ nhân làng gốm Bát Tràng… anh sẽ giành được nhiều hơn nữa những danh hiệu cao quý khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.