Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loay hoay giữa “chống” và “xây”

Tuấn Khải| 11/04/2011 07:30

(HNM) - Sông Hồng đoạn chảy qua TP Lào Cai, Yên Bái thời gian gần đây có tình trạng cạn nhanh và bị ô nhiễm nặng. Sông Đà, một trong những nguồn cung cấp nước sạch chủ yếu cho Hà Nội cũng bị ô nhiễm.

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt trên sông Nhuệ, đoạn chảy qua huyện Thanh Oai. Ảnh: TTXVN


Dòng sông nào cũng bị ô nhiễm
Những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3-2011 vừa qua, nước sông Hồng đoạn chảy qua địa phận TP Lào Cai, Yên Bái cạn nhanh và có mùi khác lạ. Đặc biệt, khi mực nước sông Hồng giảm thấp, đoạn chảy qua TP Lào Cai, bờ sông lộ ra một số vệt váng bùn đỏ đậm, mùi rất khó chịu. Cơ quan chức năng của hai tỉnh này đã khẩn trương lấy mẫu nước xét nghiệm. Kết quả phân tích các chỉ số trong nước cho thấy hiện tượng ô nhiễm nặng. Theo giải thích ban đầu của một số chuyên gia môi trường, nguyên nhân chủ yếu là do phía thượng nguồn đóng các đập thủy điện khiến cho nước cạn, không tự chảy và mất khả năng tự làm sạch. Lực lượng cảnh sát môi trường đã kiểm tra nhưng không phát hiện đơn vị vi phạm. Cũng không loại trừ khả năng một số nhà máy, cơ sở sản xuất ở thượng nguồn xả thải.

Con sông Đà một thời cũng luôn nhức nhối về ô nhiễm. Vài năm trước, lực lượng chức năng tỉnh Hòa Bình đã phát hiện, xử lý một loạt cơ sở sản xuất công nghiệp dọc hai bờ sông Đà xâm hại nguồn nước nhưng không ai có thể dám chắc, chất lượng nước đã được cải thiện.

Nhiều chuyên gia kiến nghị cần thực hiện xã hội hóa nhiệm vụ BVMT, sinh thái, cảnh quan các LVS; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư với cơ chế khuyến khích hợp tác nhằm khắc phục, xử lý ô nhiễm, kêu gọi tài trợ, thu hút nguồn vốn đầu tư… Tổng cục Môi trường cũng kiến nghị với Chính phủ ban hành quy định về danh mục hạn chế, cấm đầu tư với các ngành sản xuất kinh doanh có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các LVS.

Sông Nhuệ, sông Đáy liên quan đến 5 tỉnh và sông Cầu liên quan đến 6 tỉnh, dù Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban Bảo vệ LVS với sự tham gia của Bộ TN&MT và lãnh đạo các tỉnh trong lưu vực nhưng đến nay, công tác bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng nước chưa thực sự phát huy hiệu quả. Theo Bộ TN&MT, tại LVS Cầu có khoảng 370 mỏ, cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản, 69 làng nghề, 111 khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trên 3.000 cơ sở thuộc các loại hình chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo, kinh doanh xăng dầu, sắt thép, sản xuất bao bì… Ô nhiễm do các cơ sở sản xuất thải ra LVS rất nặng nề. Còn tại LVS Nhuệ - sông Đáy, với 45.500 cơ sở sản xuất kinh doanh, 19 khu công nghiệp, trên 450 làng nghề, ước tổng lượng nước thải từ hoạt động công nghiệp trung bình khoảng 232.000 m3/năm, riêng Hà Nội chiếm khoảng 75% tổng lưu lượng nước thải. Đấy là chưa kể một lượng rác không nhỏ do người dân sống dọc các con sông thải ra.


Bảo vệ môi trường: Khó đủ mọi bề
Nước là nguồn tài nguyên quý giá, bảo vệ môi trường (BVMT) nước là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân. Điều đó đã được cụ thể hóa vào luật. Tuy nhiên, sẽ là không quá khi khẳng định, các bộ, ngành chức năng và các tỉnh, TP có sông thời gian qua vẫn còn đang loay hoay giữa "chống" và "xây", tức là giữa xử lý vi phạm và tập trung vào các giải pháp BVMT. Ví dụ như trước việc đầu nguồn sông Hồng bị ô nhiễm, đã có những giả thiết là doanh nghiệp từ phía thượng nguồn ngoài lãnh thổ Việt Nam xả thải nhưng giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa có cơ chế chung về bảo vệ và xử lý vi phạm về môi trường đối với dòng sông này. Hay như với dòng sông Đà, tỉnh Hòa Bình nỗ lực xử lý các đơn vị vi phạm nhưng bãi rác thải của TP Hòa Bình rộng khoảng 1ha lại được bố trí chỉ cách sông một con đường, từ bãi rác có một cống nhỏ để nước rác tự chảy ra sông. Từ năm 2004 đến nay, bình quân mỗi ngày nơi đây tập kết khoảng 200m3 rác, nhưng không được xử lý. Đến thời điểm này, khi bãi rác đã quá tải, tỉnh vẫn chưa bố trí được điểm khác nhằm bảo đảm môi trường và phù hợp với quy hoạch.

Với sông Nhuệ, sông Đáy và sông Cầu, hầu như năm nào Ủy ban BVMT LVS cũng tổ chức các hội nghị bàn kế sách BVMT. Giải pháp đưa ra cũng chỉ là đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Nhưng như thừa nhận của đại diện một số tỉnh, TP thuộc LVS, các giải pháp mới chỉ chung chung, mang tính tình thế. Quy định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các địa phương còn chưa rõ ràng nên khó xử lý. Như tại Hà Nam (nằm ở cuối LVS Nhuệ - sông Đáy), lâu lâu cá sông chết nổi đầy cũng chẳng biết bắt đền ai. Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến thừa nhận: Ô nhiễm môi trường là điều không tránh khỏi trong quá trình phát triển KT-XH. Muốn giải quyết vấn đề này cần phải công bằng và không có biên giới hành chính giữa các tỉnh, TP. Các bên đều phải coi đây là công việc chung và sớm thống nhất cơ chế phối hợp, tránh tình trạng vì lợi ích của địa phương mình mà đẩy thiệt hại cho nơi khác.

Bà Lệ Anh (Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường - Tổng cục Môi trường) cho rằng, khó khăn mấu chốt trong việc triển khai đề án BVMT chính là về nguồn lực. Ngân sách chi cho BVMT hiện chỉ khống chế ở con số 1% theo Thông tư số 14/2009/TT-BTC về thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc đề án BVMT LVS. Bên cạnh đó, về mặt tổ chức, thành viên của Ủy ban BVMT các LVS là lãnh đạo bộ, ngành và địa phương theo cơ chế kiêm nhiệm. Ủy ban BVMT các LVS không phải là cơ quan quản lý hành chính nhà nước nên các quyết định không có tính pháp lý cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Loay hoay giữa “chống” và “xây”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.