(HNM) - Thể thao Việt Nam đang trong quá trình tiến tới chuyên nghiệp nên hiển nhiên sẽ còn nhiều điều phải bàn. Một trong số đó là chuyện tên gọi, yếu tố tạo nên thương hiệu cho một CLB. Tên gọi cũng là điều mà mỗi nhà quản lý có tài đều phải tính đến khi muốn có sự phát triển ổn định, nhất là về tài chính cho CLB.
Tính bản sắc luôn nằm ở khía cạnh chuyên môn của từng CLB thể thao. Tuy nhiên, bản sắc cũng được phản ánh ở cái tên. Thể thao Việt Nam đỉnh cao từ trước đến nay đã chứng kiến không ít cuộc thay tên, đổi họ.
Bóng đá Việt Nam có nhiều trường hợp thay tên, đổi họ, nhất là các môn thể thao đã theo hướng chuyên nghiệp. Từ những ngày đầu sơ khai gọi là "thử nghiệm chuyên nghiệp", đến bán chuyên nghiệp rồi chuyên nghiệp như bây giờ, rất nhiều đội bóng bị khai tử hoặc thay tên, đổi họ xoành xoạch. Mới nhất, có trường hợp CLB Bóng đá Xi măng Xuân Thành Sài Gòn. Trước khi dừng lại ở tên này, đội bóng đã liên tục thay đổi tên gọi, lúc là Sài Gòn Xuân Thành, khi là Xi măng Sài Gòn Xuân Thành. Trước đó, hàng loạt cái tên nổi tiếng có thể khiến các nhà quản lý thu hút nhiều kinh phí đã dần biến mất trên bản đồ bóng đá Việt Nam như Thể Công, Công an Hà Nội, Cảng Sài Gòn… Riêng Công an Hà Nội đã mang nhiều tên khác nhau, như Hàng không Việt Nam, LG ACB rồi chuyển đổi hoàn toàn thành Hà Nội ACB và CLB Hà Nội hay CLB Cảng Sài Gòn (cũ) thành Thép miền Nam - Cảng Sài Gòn, Hải An TP Hồ Chí Minh rồi CLB TP Hồ Chí Minh… Trong số này, tiếc hơn cả vẫn là sự biến mất của cái tên Thể Công - đã in dấu vào hàng triệu người hâm mộ ở Việt Nam và đủ sức hút đông đảo khán giả ở mỗi cuộc đấu. Với các nhà làm tiếp thị và thương hiệu, đó là sự mất mát lớn, nhất là về mặt thương hiệu bởi để gây dựng tên gọi nổi tiếng không hề đơn giản.
Ở những môn khác, mà điển hình là bóng bàn, mới tuần trước cũng có chuyện CLB Petrovietnam (cũ) được đổi thành Petrosetco. Dù rằng, trên danh nghĩa Petrosetco vẫn là CLB bóng bàn của ngành dầu khí nhưng tính chất quản lý cũng như hoạt động đã khác nhau rõ rệt. Một cái tên được xây dựng để quảng bá cho cả tập đoàn, còn cái tên kia chỉ để quảng bá cho một đơn vị của tập đoàn. Trong khi đó, cũng phải rất khó khăn ngành dầu khí mới gây dựng được thương hiệu Petrovietnam trong làng bóng bàn, nay 5 năm xây dựng thương hiệu lại về số 0. Với bóng chuyền, CLB nữ Bộ Thông tin đã đổi tên không dưới ba lần từ Thông tin Trustbank rồi tới Thông tin Lienvietbank và Thông tin Lienvietpostbank. Hay như bóng chuyền Biên phòng, trước là Sao Vàng Biên phòng nhưng đã chuyển thành Sacombank Biên phòng rồi bây giờ trở lại là Biên phòng.
Trong khi đó, một quy luật ở thể thao của nhiều nước phát triển Anh, Mỹ, Pháp, Italia, Đức… là không bao giờ cho phép đổi tên CLB, nhất là khi CLB ấy vẫn thuộc một ông chủ. Bởi làm như vậy cũng đồng nghĩa quá trình làm thương hiệu của CLB đã hoàn toàn uổng phí. Đôi khi khán giả đến sân cũng chỉ vì cái tên CLB chứ không hẳn CLB ấy quá hay. Tất nhiên, thể thao Việt Nam trong thời kỳ đầu của quá trình chuyên nghiệp hóa cũng gặp khó khăn, nhất là ở khâu tài chính. Cho nên, khi CLB muốn "xã hội hóa" thông qua đầu tư của doanh nghiệp, của ông chủ mê thể thao thì phải đổi tên theo sở nguyện nhà đầu tư. Ở bóng chuyền, việc những Sacombank, Lienvietbank, Binh đoàn 15, Đức Long Gia Lai… tham gia tài trợ chỉ khi có đặc quyền gắn thương hiệu của mình. Bóng đá, bóng bàn, xe đạp… cũng vậy.
Để giữ được tên gọi bền vững với thời gian, không phụ thuộc vào một doanh nghiệp hay ông bầu, CLB cần có nền tài chính vững mạnh và dài hơi. Nhưng với thực trạng... thiếu trăm bề như bây giờ, quả là khó! Thế nên người ta mới tự hỏi không biết thời gian tới sẽ là CLB thể thao chuyên nghiệp nào thay tên, đổi họ (hay còn gọi là bị xóa sổ) sau trường hợp CLB Bóng bàn Petrovietnam?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.