Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Lo” mặt bằng cho sản xuất công nghiệp

Hải - Dương| 01/11/2022 06:13

(HNM) - Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng giá trị công nghiệp chiếm hơn 70% giá trị lĩnh vực công nghiệp - xây dựng; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong công nghiệp đạt hơn 90%; tốc độ tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp đạt bình quân 9-10%/năm... Do đó, việc hoàn thiện và đầu tư xây dựng mới các khu, cụm công nghiệp đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, quy mô lớn, hiện đại, phù hợp quy hoạch chung… là mục tiêu thành phố hướng tới.

Cụm công nghiệp Lai Xá - Kim Chung (huyện Hoài Đức) cần tiếp tục được đầu tư về hạ tầng để giúp các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Nguyễn Quang

Nhu cầu lớn

Bài toán về mặt bằng sản xuất là điều mà nhiều doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn Hà Nội trăn trở. Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Long Đức (Cụm công nghiệp Lai Xá - Kim Chung, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) Thái Thúy Nhung cho biết, đơn vị hoạt động từ năm 2008, với ngành nghề là sản xuất chi tiết phụ trợ cho xe máy, xe đạp điện. Mặt bằng sản xuất chật hẹp là khó khăn lớn nhất. “Cơ sở hạ tầng của cụm công nghiệp chưa đồng bộ, nên nhiều hạng mục doanh nghiệp phải tự đầu tư. Hệ thống xử lý nước thải chung thiếu, gây ảnh hưởng đến môi trường…”, bà Thái Thúy Nhung nêu.

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức Phạm Gia Lộc, trên địa bàn huyện có 10 cụm công nghiệp, với tổng số hơn 800 doanh nghiệp đang hoạt động, hầu hết đều chưa đồng bộ hạ tầng. Cụ thể như Cụm công nghiệp Lai Xá - Kim Chung, toàn bộ hệ thống vỉa hè nội bộ do các doanh nghiệp tự làm; không có hệ thống xử lý nước thải, không xây dựng hàng rào riêng. Cụm công nghiệp Di Trạch chưa có hệ thống chiếu sáng, cấp nước. Cụm công nghiệp Cầu Nổi chưa được đầu tư hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng…

Còn tại huyện Đan Phượng, Trưởng phòng Kinh tế UBND huyện Nguyễn Viết Đạt cho hay, để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, huyện đầu tư 3 dự án là: Cụm công nghiệp Đan Phượng giai đoạn 2, Cụm công nghiệp Song Phượng và Cụm công nghiệp Hồng Hà, tổng diện tích gần 19ha. Các dự án đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Riêng Cụm công nghiệp Đan Phượng giai đoạn 2 đã được san nền, dự kiến trong năm 2023 sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động. Tuy nhiên, huyện còn nhiều hộ sản xuất, kinh doanh cần mặt bằng nhà xưởng, kho, bãi chứa vật liệu, hàng hóa, nhất là những hộ làm nghề mộc cần mặt bằng lớn từ 1.000 đến 2.000m2… Do đó, nhu cầu phát triển cụm công nghiệp rất lớn. “Huyện đã đề nghị thành phố xem xét, sớm bổ sung quy hoạch, phương án phát triển Cụm công nghiệp Phương Đình quy mô từ 8ha lên 50ha, mở rộng Cụm công nghiệp Hồng Hà từ 9ha lên 74ha, vừa phù hợp với chủ trương của UBND thành phố, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất”, ông Nguyễn Viết Đạt thông tin.

Đẩy mạnh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp

Theo thống kê, đến tháng 9-2022, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai 105 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 2.344 ha (bình quân 22ha/cụm), tại 19 quận, huyện, thị xã. Các cụm công nghiệp đang hoạt động ổn định và có xu hướng phát triển, thu hút 4.169 hộ sản xuất, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, hệ thống đường nội bộ, giao thông bên ngoài hàng rào cụm công nghiệp hiện tại chưa tốt, nhiều cụm công nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp…

Theo Sở Công Thương Hà Nội, với 43 cụm công nghiệp (tổng diện tích 742ha) được thành lập, mở rộng giai đoạn 2018-2020, hiện thành phố đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Việc chậm tiến độ do thời gian, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi đất trồng lúa kéo dài, gây khó khăn trong giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất. Một số huyện như Thạch Thất, Quốc Oai, vẫn chưa phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng vì chờ văn bản chấp thuận chuyển đổi đất lúa…

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng cụm công nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn trong năm 2022, trong đó, hằng tháng, thành phố giao ban với sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư để rà soát tiến độ, tháo gỡ khó khăn. Kết quả, đến nay, thành phố đã khởi công 8/43 cụm công nghiệp. Với 35 cụm công nghiệp còn lại, dự kiến quý IV-2022 khởi công 7 cụm và năm 2023 sẽ khởi công 28 cụm.

Mới đây, UBND thành phố tiếp tục yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, lập phương án phát triển các cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Cùng với đó, các chủ đầu tư, quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào cụm công nghiệp như xây dựng đường giao thông kết nối, hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, thoát nước… đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhà đầu tư. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp bình quân 9-10%/năm, vì vậy mặt bằng sản xuất cũng cần phát triển tương ứng. Điều đó đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành, địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Lo” mặt bằng cho sản xuất công nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.