Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lo lắm, tháng giêng ơi!

Lê Nhật Huy| 23/02/2010 06:13

(HNM) - Ngày đầu tuần của năm mới Canh Dần 2010, đường phố Hà Nội lại trở nên đông đúc, chật chội. Nhưng điều lạ là nhiều công sở vẫn vắng hoe. Vậy là bên cạnh nỗi lo về ùn tắc giao thông, một nỗi lo khác bắt đầu xuất hiện.


Các cụ xưa vẫn nói "tháng Giêng là tháng ăn chơi" bởi khi ấy chúng ta còn là nước thuần nông, nền nông nghiệp chủ yếu dựa vào cây lúa nước. Do đó, sau một năm làm lụng vất vả, đón Tết xong, tranh thủ lúc nông nhàn nên bà con thường tổ chức lễ hội, du xuân. Tâm lý xả hơi, ăn chơi xuất hiện trong dịp này âu cũng là lẽ thường tình...

Nay, tình hình kinh tế đất nước đã rất khác xưa. Chúng ta đang chuyển sang nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN và nỗ lực phấn đấu cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người của chúng ta đã vượt qua mốc 1.000 USD/năm để chuyển từ quốc gia có thu nhập thấp sang quốc gia có mức thu nhập trung bình của thế giới. Nhìn về tổng thể, người dân đã có của ăn của để. Tóm lại là càng có điều kiện để... ăn và chơi khi Tết đến, Xuân về?

Nhưng, chúng ta còn không ít việc phải lo.

Tháng đầu năm 2010, theo tính toán, giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2009, trong sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo cấy lúa đông xuân cũng tăng trên 3% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, kim ngạnh xuất khẩu có mức tăng khá, ước đạt 4,9 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2009... Nhưng cần nhớ rằng, dịp Tết Kỷ Sửu rơi vào tháng 1-2009, trong khi toàn bộ thời gian Tết Canh Dần rơi vào tháng 2-2010. Sau khi trừ những ngày nghỉ Tết và những ngày thứ bảy, chủ nhật, chỉ còn đúng 15 ngày làm việc. Như vậy, nếu tính toán trên lý thuyết, điều nhìn thấy trước là trong tháng 2 này những con số kết quả sản xuất, kinh doanh sẽ khó có thể khả quan khi so sánh với tháng 1-2010 hoặc so với cùng kỳ của năm trước.

Vậy nếu tâm lý truyền thống "tháng Giêng là tháng ăn chơi" vẫn tiếp tục tồn tại thì chuyện sẽ đi đến đâu? Không lo sao được khi dù những ngày nghỉ Tết kéo dài như vậy, nhưng đến nay, nhiều công sở vẫn có những nhân viên vắng mặt vì kẹt xe, xin phép nghỉ vì việc này việc nọ. Không lo sao được khi trong tháng Giêng, hầu hết mọi miền đất nước đều diễn ra những lễ hội, thu hút hàng chục vạn lượt người du xuân mỗi ngày. Lại còn biết bao cuộc tụ tập mừng hội làng, hội họ, hội đồng niên, hội đồng hương... Rồi có những cơ quan, đơn vị, dù mọi người không đi đâu cả nhưng trụ sở vẫn vắng teo bởi còn bận tụ tập vào những bữa cơm tân niên ở từng nhà, quay một vòng có khi tới rằm tháng Giêng còn chưa dứt...

Tuy GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt ngưỡng 1.000 USD/năm, nhưng xét cho cùng thì mức sống của chúng ta vẫn đứng trong khoảng số thứ tự 120-130 của 208 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Để đạt mức thu nhập bình quân đầu người vào diện trung bình (tức là khoảng 3.000 USD/năm) chắc chắn Việt Nam còn phải phấn đấu nhiều năm nữa.

Nêu lên một số chuyện để thấy rằng, tư duy bây giờ cũng cần có sự thay đổi theo chiều hướng hiện đại để phù hợp với thời cuộc. Chuyện ăn chơi dịp Tết đã đến lúc phải tạm chia tay để từng giờ, từng ngày lao động trong năm mới thực sự có hiệu quả nhằm tạo ra nhiều của cải, làm lợi cho xã hội và đất nước. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Người ta vẫn quen nghĩ rằng, chỉ có người giàu mới dám ăn chơi xả láng. Nhưng chưa ai chỉ ăn chơi không mà lại giàu lên được!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lo lắm, tháng giêng ơi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.