Theo dõi Báo Hànộimới trên

Linh hoạt điều tiết nguồn nước gieo cấy lúa xuân

Kim Nhuệ| 16/11/2022 07:07

(HNM) - Bộ NN&PTNT vừa yêu cầu các tỉnh, thành phố thuộc khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ xây dựng kế hoạch lấy nước gieo cấy lúa vụ đông xuân 2022-2023 trong 2 đợt và thời gian hoàn thành lấy nước chậm nhất là ngày 10-2-2023. Thực hiện đúng chỉ đạo trên, ngành Nông nghiệp Hà Nội đề xuất Bộ NN&PTNT linh hoạt giải pháp điều tiết nguồn nước.

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích bảo dưỡng thiết bị Trạm bơm dã chiến Phù Sa.

Do biến đổi lòng dẫn nên mực nước sông Đà, sông Hồng những năm gần đây liên tục bị hạ thấp, khiến nhiều công trình thủy lợi không thể vận hành, phát huy tối đa công suất thiết kế. Khắc phục tình trạng này, giảm phụ thuộc dòng chảy bổ sung từ các hồ thủy điện, Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã tăng cường đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp công trình lấy nước. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), tiến độ lấy nước giữa các địa phương chưa đồng đều, dẫn tới các nhà máy thủy điện phải điều tiết nước đợt 3 chỉ dành cho một số diện tích không lớn.

Trong khi đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông tin, dung tích trữ của các hồ thủy điện trên lưu vực sông Hồng đang ở mức thấp. Trong thời gian điều tiết nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2022-2023, Nhà máy thủy điện Hòa Bình chỉ có thể vận hành tối đa 7/8 tổ máy do phải thay thế thiết bị định kỳ bắt buộc.

Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố thuộc khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ tăng cường giải pháp thích ứng tình trạng thiếu hụt nguồn nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2022-2023. Hướng kế hoạch là lấy nước trong 2 đợt thay vì 3 đợt như những năm trước đây. Thời gian hoàn thành lấy nước muộn nhất là ngày 10-2-2023.

Thực hiện chỉ đạo nêu trên, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp thủy lợi của thành phố xây dựng kế hoạch lấy nước; triển khai giải pháp phòng, chống hạn, chủ động đủ nguồn nước phục vụ gieo cấy lúa vụ xuân 2023. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích xây dựng phương án điều tiết nguồn nước hồ Suối Hai khi mực nước sông Đà không đủ điều kiện vận hành Trạm bơm Trung Hà. Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy đề xuất thành phố bố trí kinh phí sửa chữa nâng cấp Trạm bơm dã chiến Bá Giang...

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, diện tích khó khăn, tiến độ lấy nước chậm trong những năm qua chủ yếu tập trung tại khu vực thuộc lưu vực Trạm bơm Phù Sa phục vụ khoảng 4.600ha, thuộc các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây. Nguyên nhân là do mực nước sông Hồng xuống thấp nên Trạm bơm Phù Sa không thể vận hành, phụ thuộc hoàn toàn trạm bơm dã chiến...

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Đào Quang Khải cho biết, phương án khả thi là hạ thấp mực nước bể hút và nâng công suất Trạm bơm Phù Sa hiện tại. Tuy nhiên, hiện nay dự án nâng cấp Trạm bơm Phù Sa được Bộ NN&PTNT phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến triển khai trong năm 2023. Nếu Hà Nội triển khai phương án hạ thấp cao trình đặt máy Trạm bơm Phù Sa (phục vụ sản xuất vụ xuân 2023) nhưng sau thời gian ngắn phải tháo dỡ, di chuyển (phục vụ xây dựng công trình nâng cấp Trạm bơm Phù Sa) thì rất lãng phí. Vì vậy, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị Tổng cục Thủy lợi nghiên cứu, báo cáo Bộ NN&PTNT chỉ đạo đơn vị liên quan sớm xây dựng công trình phục vụ triển khai dự án nâng cấp Trạm bơm Phù Sa hoặc tiếp tục xả nước đợt 3 phục vụ gieo cấy lúa xuân 2023 cho lưu vực Trạm bơm Phù Sa phụ trách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Linh hoạt điều tiết nguồn nước gieo cấy lúa xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.