(HNM) - Chỉ còn khoảng 40 ngày nữa là kết thúc năm 2012, bước sang năm 2013, song giá trị giải ngân vốn xây dựng cơ bản (XDCB) của TP Hà Nội mới đạt 67% (khoảng 11.015 tỷ đồng), thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước là 75%.
Điều đáng lưu ý, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chính là những tồn tại được chỉ ra từ những cuộc giao ban XDCB 6 tháng, 9 tháng đầu, thậm chí là từ những năm trước. Tại cuộc giao ban XDCB 11 tháng diễn ra ngày 20-11, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu đẩy nhanh tiến độ với tinh thần một ngày làm việc bằng ba ngày trong thời gian còn lại của năm 2012.
Cầu vượt nhẹ Lê Văn Lương - Láng Hạ góp phần làm giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô. Ảnh: Viết Thành |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), tính đến ngày 31-10, vẫn còn 64 dự án thuộc giai đoạn thực hiện chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2012; 25 dự án chưa khởi công. Kể cả nhóm công trình trọng điểm, mặc dù được đánh giá là cơ bản bảo đảm tiến độ kế hoạch, nhiều dự án hoàn thành sớm phát huy hiệu quả cao, song cũng vẫn có tới 41 dự án triển khai chậm, trong đó có 31 dự án ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, 1 dự án chuẩn bị thực hiện, 9 dự án ở giai đoạn thực hiện đầu tư. Về nguyên nhân, một số quận, huyện còn chưa tập trung, giải quyết quyết liệt vốn nợ đọng XDCB cho công trình hoàn thành, trong khi vẫn tiếp tục bố trí kế hoạch vốn cho nhiều dự án triển khai mới. Có dự án chuyển tiếp, mặc dù có khối lượng thực hiện khá lớn song chủ đầu tư và nhà thầu phối hợp không tốt trong việc hoàn tất thủ tục giải ngân. Có dự án không có mặt bằng để thi công như Vành đai I đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái và Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu… Có dự án thi công kéo dài nên phải điều chỉnh thiết kế, đơn giá tăng rất lớn như dự án đường 5 kéo dài dự kiến tăng tới 3.000 tỷ đồng; dự án tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dự kiến tổng mức đầu tư điều chỉnh hơn 51.000 tỷ đồng phải báo cáo Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong khi đó, theo phản ánh của nhiều địa phương, có dự án đã được phê duyệt, nhưng chưa được cấp vốn, hoặc vốn được cấp không đủ để giải phóng mặt bằng nên dự án chậm tiến độ. Có địa phương nêu, số vốn kết dư đã được ứng hết cho các dự án cấp bách nhưng không hiểu sao chưa được sở, ngành cập nhật trong báo cáo. Đại diện quận Hà Đông cho biết, đến đầu tháng 11, quận mới được phê duyệt 52/56 dự án bổ sung, vì vậy tiến độ giải ngân vốn XDCB trên địa bàn quận chỉ đạt 50%. Nếu không tính các dự án bổ sung, tỷ lệ giải ngân của quận phải đạt hơn 80%. Về khách quan, có thể thấy do thị trường bất động sản đóng băng nhiều dự án đấu giá quyền sử dụng đất không triển khai được, vì vậy những dự án sử dụng nguồn vốn từ đấu giá đất cũng dừng theo. Bên cạnh đó, có dự án cũng chưa thể xác định được vị trí, quy mô đầu tư hoặc phải dừng triển khai đợi quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu.
Tuy nhiên, khá nhiều dự án thành phần trong nhóm công trình trọng điểm của thành phố đã được chủ đầu tư giải ngân vượt kế hoạch. Đặc biệt, nhóm dự án sử dụng vốn ODA do thành phố quản lý đã thực hiện bằng gần 300% kế hoạch, giá trị giải ngân bằng 270% kế hoạch. Việc điều chuyển vốn từ những dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án dân sinh bức xúc được thực hiện linh hoạt, kịp thời, tạo điều kiện cho nhiều dự án đẩy nhanh tiến độ. Đã có 59 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả cao, trong đó có những công trình đạt tiến độ nhanh kỷ lục.
Đồng tình với những khó khăn khách quan như giải phóng mặt bằng, thị trường bất động sản đóng băng, khối lượng công việc dự án lớn, nhu cầu lớn nhưng phải bảo đảm đúng các quy định, quy trình đầu tư… song Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng nhấn mạnh nguyên nhân cơ bản dẫn đến chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân chậm là do thiếu chủ động, chưa quyết liệt trong điều hành; trì trệ, trong giải quyết tồn tại, vướng mắc. Đây là vấn đề đã được lãnh đạo thành phố đôn đốc nhắc nhở rất nhiều lần nhưng chưa thực sự chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, năng lực chủ đầu tư hạn chế, nhiều chủ đầu tư "nghiệp dư" không liên quan hoặc không có nghiệp vụ liên quan đến XDCB. Cơ chế, chính sách còn đề cao giá thầu khi đấu thầu hơn năng lực nhà thầu, trong khi năng lực nhà thầu lại là điều kiện quyết định tiến độ, chất lượng của dự án. Thực tế, những công trình đạt tiến độ kỷ lục của Hà Nội thời gian qua phần lớn là những công trình được lựa chọn nhà thầu.
Về giải pháp, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu, trước hết phải quán triệt tinh thần chỉ đạo quyết liệt, chủ động, sát sao. Cụ thể, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo giao các sở KH-ĐT, Tài chính tập trung tháo gỡ khó khăn, bảo đảm cao nhất mục tiêu dự toán thu ngân sách, từ đó bảo đảm nguồn chi cho đầu tư XDCB, điều tiết cho các quận, huyện không đấu giá được quyền sử dụng đất tạo vốn đầu tư XDCB. Cùng với việc điều chuyển vốn, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây lắp, với tinh thần một ngày làm việc bằng ba ngày trong những ngày còn lại của năm 2012; tăng cường trách nhiệm chủ đầu tư trong lập, thẩm định, thanh quyết toán khối lượng; linh hoạt trong điều hành, điều chỉnh khối lượng giải ngân, trước hết trong nội bộ, sau đó là giữa các ngành, các quận, huyện. Các sở, ngành, quận, huyện, chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tiến độ dự án, giải ngân trước UBND thành phố và đây được coi là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.