Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liệu có bất công?

Người Tiêu Dùng| 04/06/2012 06:59

(HNM) - Theo Bộ Tài chính, đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã có khoản dư nợ vay ngân hàng lên đến trên 415 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 16,9% tổng dư nợ tín dụng, trong đó riêng các tập đoàn kinh tế nhà nước đã giữ trên 218 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,76% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng và 52,66% dư nợ cho vay DNNN. Nhiều DNNN hiện nay đang rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính, thua lỗ kéo dài...


Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện có tới 30/85 tập đoàn, tổng công ty, DNNN có tỷ lệ nợ phải trả cao gấp 3 lần so với số vốn sở hữu. Nghiêm trọng hơn là có tới 7 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ này gấp trên 10 lần. Tuy khoản nợ trên chưa "đáng ngại" nhưng nếu tiếp tục nợ ắt sẽ dẫn tới lỗ càng lớn, sự đổ vỡ sẽ xảy ra.

Những con số trên quả là "khó" cho nền kinh tế. Lúc này, cần phải "giải" ngay dư nợ, nợ xấu, lỗ… rồi mới bàn đến thị phần, sự độc quyền, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên của Nhà nước… nhằm thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN mà Chính phủ đã đề ra. Khu vực kinh tế nhà nước cần phải làm đúng và phát huy được chức năng, vai trò của mình trong nền kinh tế thị trường. Nếu vai trò các chủ thể trong nền kinh tế nhà nước cứ tiếp tục có sự lộn xộn, tái cấu trúc sẽ rất khó khăn.

Hiện Nhà nước đang "bơm" vốn cho DNNN thông qua biện pháp yêu cầu ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Có điều, hạ lãi suất cho vay thì cũng phải hạ lãi suất huy động, ngân hàng kinh doanh phải làm thế mới bảo đảm có lãi. Vậy là, để có tiền cho DNNN vay, vượt qua khó khăn, ngân hàng phải hạ lãi suất tiền gửi, tức là giảm thu nhập của người dân - khách hàng gửi tiền. Nói cách khác, ngân hàng đang làm cái việc "cấu" lợi nhuận của người dân - người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng để bù đắp cho hoạt động kém hiệu quả của DNNN. Cái sự "lấy của anh miền xuôi để nuôi anh miền ngược" này là hết sức bất công và không nên để kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liệu có bất công?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.